HienN.jpg
Đại úy Hoàng Công Hiền, Trạm phó Biên phòng Bản Giốc.

Nắng thu rải lớp lụa vàng óng trên những cánh đồng vụ thu bời bời lúa, rạng rỡ giữa trùng trùng điệp điệp núi rừng Trùng Khánh biên cương của Tổ quốc. Từ trên sườn núi cao hay ở sát chân ruộng đang vào thời kỳ chín rộ, hoặc ở bất kỳ vị trí nào, thác Bản Giốc đều có vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng đến xao xuyến! Đại úy Hoàng Công Hiền, Trạm phó Biên phòng Bản Giốc, 38 tuổi, đẹp trai, nở nụ cười tươi tắn và đưa ra một nhận xét khá tinh tế: “Thác Bản Giốc mùa nào cũng có sức thu hút con người. Mùa thu se lạnh, thác rực rỡ giữa trời xanh. Mùa đông mây mù, thác ẩn hiện như trong thần thoại. Mùa xuân tươi hồng, thác bừng bừng sức trẻ. Mùa hè rực nắng, thác sôi động lạ thường. Đêm đêm, thác vẫn ào ào vỗ nhịp cho giấc ngủ”. Phải là những người lính biên phòng tha thiết vô cùng với núi rừng thân thương, với biên cương thần thánh của non sông đất nước, mới cảm nhận được sâu sắc đến thế về thác Bản Giốc, một danh thắng nổi tiếng trong và ngoài nước, thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Càng đến gần, tiếng đổ ào ào của những ngọn thác Bản Giốc càng dồn dập không ngớt hòa trong tấm màn bụi nước trắng xóa mịt mù. Đi qua cây cầu nhỏ có tay vịn vào sát chân thác là đặt chân vào cồn Pò Thon, ai cũng bồi hồi, vì gặp cột mốc 836 phía bên Việt Nam, nhìn sang bên kia sông Quây Sơn phía Trung Quốc, cũng có một cột mốc biên giới tương xứng. Bộ đội biên phòng cho biết, đây là cột mốc cuối cùng trong quá trình thương thảo căng thẳng kéo dài về phân định đường biên giới hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Cách trạm biên phòng Bản Giốc chừng 2 km, con đường ô tô cấp phối đỏ au rẽ hai bên lớp lớp lúa vàng, là tới cây cầu Bản Muông to lớn vừa xây xong bắc qua sông Quây Sơn trong veo soi bóng lũy tre xanh tuyệt đẹp, bên cạnh vẫn còn cây cầu treo nhỏ bé vắt vẻo của quá khứ. Bản Muông vài năm nay bỗng trở nên chật chội, đường ngoằn ngoèo len lỏi giữa hàng trăm nóc nhà mái ống của đồng bào Tày. Hàng đàn trâu mập mạp rậm rịch qua cầu sang ăn cỏ đồng bên kia cầu. Từ khi phân định lại mốc biên giới, có chỗ người mình sang làm ruộng bên kia sông, nhưng cũng có chỗ ruộng nương của bà con ta nay thuộc về Trung Quốc. Ngoài làm ruộng, vài năm gần đây bà con Bản Muông còn buôn bán ở chợ biên giới. Đi qua dưới chân núi Lũng Niếc có đặt 2 trạm quan sát của ta, bỗng hiện ra giữa màu xanh của núi rừng và bầu trời là ba bốn dãy lều quán xanh đỏ vui mắt và đông đảo người mua bán.

Chợ "không tên" vùng biên ở cột mốc 835

Đây là ngôi chợ biên giới duy nhất ở huyện Trùng Khánh, đúng ra là chợ của đồng bào Bản Muông. Hàng hóa giống như ở hầu hết các chợ trên đất nước ta, chỉ khác là không có hàng quán ăn uống. Nhờ có chợ, đời sống của bà con Bản Muông được cải thiện thêm, xây thêm nhà, tậu thêm trâu, mùa màng có thu hoạch tốt hơn...Du khách Việt Nam và Trung Quốc đã đến Bản Giốc đều không thể không đến nơi này, chụp ảnh nơi này, vì chính nơi đây còn nguyên vẹn cột mốc 53 có từ hàng trăm năm trước. Ta và Trung Quốc thống nhất giữ lại cột mốc lịch sử này để làm lưu niệm. Cách đó chừng 5 mét là cột mốc 835 mới, phân định rõ ràng “núi sông bờ cõi đã chia”, như Nguyễn Trãi đã từng dõng dạc trong “Bình Ngô đại cáo”. Đại úy Hoàng Công Hiền cho biết, mặc dù đã hoàn tất việc cắm mốc biên giới, nhưng chỉ có hiệu lực khi hai nhà nước Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định công nhận. Bởi thế, lúc này bộ đội biên phòng đồn Đàm Thủy, trực tiếp là Trạm Biên phòng Bản Giốc, vẫn nâng cao cảnh giác, tuần tra ngày đêm, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện không đúng với tinh thần hiệp định. Đồn Biên phòng Đàm Thủy nằm cạnh trục đường 206 chạy từ huyện Quảng Uyên lên Trùng Khánh, qua huyện Hạ Lang, giữ vị trí quan trọng nhất trong số 3 đồn Biên phòng đóng trên địa bàn huyện Trùng Khánh, cũng như toàn bộ 16 đồn biên phòng bảo vệ trên 300 km đường biên giới của tỉnh Cao Bằng. Đồn Biên phòng Đàm Thủy quản lý đoạn biên giới 19,5 km, gồm 60 cột mốc (24 mốc chính, 36 mốc phụ), có địa hình quanh co uốn lượn phức tạp, đến mức chỉ riêng khu vực thác Bản Giốc, từ đỉnh thác xuống chân thác, đã phải cắm đến 20 mốc, để xác định mỗi bên có một nửa thác to 3 tầng.

Vườn rau của chiến sĩ đồn Biên phòng Đàm Thủy
Địa bàn đóng quân thuộc 2 xã Đàm Thủy và Chí Viễn, gồm 9.014 nhân khẩu, 99% là đồng bào Tày, chỉ 1% đông bào Kinh  lên lập nghiệp chưa lâu. Xa thị trấn huyện, xa thị xã Cao Bằng, nên bà con chỉ trông vào sản xuất lúa, ngô, đỗ tương… Do ít bị thiên tai lũ lụt, được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và giống mới, nên đời sống của đồng bào được đảm bảo, chỉ còn xóm vùng cao Lũng Hoạt (Chí Viễn) có lúc thiếu lương thực. Điện đã về tất cả các xóm của Đàm Thủy, 2 xóm cuối cùng ở Chí Viễn sắp tới sẽ có điện lưới. Bể áp lực được xây dựng và nước sạch đã về hầu hết các xóm, kể cả xóm vùng cao Lũng Hoạt. Nhà nước đặc biệt quan tâm đến các mặt đời sống của đồng bào vùng biên, nên ngoài các trường tiểu học, còn có trường trung học cơ sở ghép với trường trung học phổ thông Pò Tấu. Hai trạm y tế xã có đủ cơ số thuốc, bên cạnh đó đồn biên phòng kết hợp với y tế huyện, thành lập phòng khám đa khoa quân-dân y. Thiếu tá Nguyễn Anh Xuân, Phó đồn trưởng đồn Biên phòng Đàm Thủy khẳng định, ở đâu có bộ đội biên phòng, ở đó đời sống đồng bào được nâng lên, biên giới được vững chắc. Có lúc xóm vùng cao bị thiếu lương thực, nhưng dứt khoát không có chuyện đồng bào bị đói. Bởi vì Chính phủ có chương trình cứu đói, Mặt trận Tổ quốc có chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết, Bộ đội Biên phòng có chương trình Mái ấm cho đồng bào nghèo nơi biên giới. Tháng 10/2009, đồn Biên phòng Đàm Thủy đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 6 nhà do Ban chỉ huy biên phòng tỉnh giao, bằng cách góp tiền và công, cùng với sự đóng góp công sức của bà con trong xóm.

Đại úy Nông Văn Hòa, Chính trị viên phó đồn Biên phòng Đàm Thủy gắn biển nhà Đại đoàn kết cho đôi vợ chồng trẻ xóm Cô Muông, xã Đàm Thủy.
Làm nhà ở đây cũng có phần thuận lợi, vì bà con dễ dàng khai thác đá tại chỗ, mang về xay, rồi trộn với xi măng, đóng thành gạch rất chắc chắn và bền đẹp, hơn hẳn gach bằng đất nung. Nhà xây bằng loại vật liệu tự tạo này không cần phải trát, còn vì kèo phần lớn là tận dụng từ nhà cũ nát. Vì thế, mỗi ngôi nhà chỉ khoảng 13-15 triệu đồng, phù hợp với điều kiện kinh tế của đồng bào địa phương. Nhà xây xong, bộ đội biên phòng đích thân đến gắn biển “mái ấm”, chung vui tình quân dân nơi biên giới. Các ông Nông Ích Ngọ, Lý Văn Khơi, Nông Văn Bằng, Lý Văn Vạn, Hứa Văn Hợp và bà Nông Thị Diêm rất vui vì được bộ đội biên phòng giúp xây nhà mới. Ông Nông Ích Ngọ, xóm Cô Muông, xã Đàm Thủy, phát biểu chân thành: “Không có bộ đội biên phòng thì chẳng biết bao giờ mới có nhà cửa chắc chắn như thế này”. Còn Mã Văn Pèng ở đội 2 xóm Lũng Phiắc (Đàm Thủy) thì cứ nắc nỏm khen Đại úy Nông Văn Hòa, Chính trị viên phó đồn Biên phòng. Chẳng là, anh Hòa đã mang giống lúa lai và ngô lai năng suất cao đến cho cả xóm, cùng trồng và chăm sóc với dân, nên bà con bội thu cả ngô và lúa, sàn gác nhà anh Pèng chất ngô nặng đến nỗi bị gãy đổ!Bộ đội Biên phòng đồn Đàm Thủy thật sự là con em ruột thịt của đồng bào, ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới, thì cán bộ, chiến sĩ đã cùng lo cái lo của đồng bào, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với đồng bào. Bà con băn khoăn về việc sau khi phân định biên giới, có nơi phải di chuyển mồ mả về bên này. Bộ đội biên phòng đã phối hợp với già làng trưởng bản, các vị có uy tín trong xã, thống nhất quan điểm với các trưởng xóm, giải tỏa được bức xúc nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng nghĩa trang mới để di chuyển trên 100 ngôi mộ về, theo đề án 143 của Chính phủ về việc hỗ trợ đồng bào biên giới đất rừng, di chuyển mồ mả, v.v… Bộ đội Biên phòng luân phiên nhau về tăng gia sản xuất tại địa bàn xóm, xã, vừa gần dân, chia sẻ khó khăn với dân, vừa tham gia gặt, mua thóc của dân mang về xay xát, dự trữ kho. Năm nào, đồn biên phòng cũng hoàn thành vượt chỉ tiêu tăng gia sản xuất, nên có quĩ phúc lợi dư dả phòng khi cần giúp dân. Đồn Biên phòng Đàm Thủy là đại gia đình của cán bộ, chiến sĩ đến từ 9 tỉnh, thành phố, nhưng tất cả đều chung một ý chí nắm chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc, bảo vệ đồng bào nơi phên giậu phía Bắc xa xôi, góp phần xây dựng đất nước dân chủ, văn minh và giàu đẹp./.