Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng

Trước đây, không có đơn hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Công ty TNHH giày Vĩnh Nghĩa ở khu phố Phú Nghị, phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công. Sau một năm phục hồi, công ty có thêm nhiều đối tác nên mở lại các nhà xưởng và cần tuyển thêm 1.700 lao động để đủ 4.000 người cho tất cả chuyền sản xuất.

Ông Trần Minh Phát, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH giày Vĩnh Nghĩa cho biết, công ty tuyển dụng không đòi hỏi tay nghề, kinh nghiệm và hiện mỗi ngày tuyển được hơn 20 người: “Công ty cho mấy bạn nhân sự đi dán thông báo, phát tờ rơi và thông tin cho công nhân kêu gọi bạn bè, người thân cần công việc đến phỏng vấn. Công nhân chỉ cần biết ghi, biết tính là đã được công ty nhận vào làm".

Còn Công ty TNHH Esprinta Việt Nam ở đường số 12, khu công nghiệp Sóng Thần 2, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đang duy trì hoạt động với hơn 5.500 công nhân. Để đảm bảo kế hoạch sản xuất cho năm 2023, công ty đang cần tuyển thêm 500 lao động phổ thông với mức lương cơ bản gần 5,4 triệu đồng/tháng. Công nhân vào làm còn được công ty hỗ trợ thêm các khoản phụ cấp đời sống, nuôi con nhỏ, nhà trọ, đi lại, tiền thưởng chuyên cần...

Bà Lưu Tịnh Uyển, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Esprinta Việt Nam cho biết, hầu hết công nhân đến xin việc chủ yếu là làm thời vụ, trong khi đó công ty mong muốn tuyển được người làm lâu dài để ổn định sản xuất. Để tuyển đủ số lượng công nhân, công ty tuyển cả người không có tay nghề rồi về đào tạo.

 "Những ai không có tay nghề may công ty sẽ hướng dẫn, đào tạo. Trong quá trình học may, công nhân được hưởng lương, có thể tăng ca và trực tiếp xuống nhà xưởng sản xuất để có cơ hội va chạm, có thời gian tiếp cận, thích nghi. Từ đó, công nhân sẽ vào làm việc chính thức sớm hơn so với người chỉ ngồi ở khu vực học việc"- bà Uyển.

Giải "bài toán" thất nghiệp

Ngành chức năng ở Bình Dương tạm thống kê, nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc tuyển dụng với tổng cộng khoảng 10.000 người. Bên cạnh đó cũng có nhiều công ty đang cắt giảm lượng lớn công nhân do thiếu đơn hàng, nhất là các doanh nghiệp dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ...

Trước thực tế đó, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cùng Liên đoàn lao động, Ban Quản lí các khu công nghiệp, UBND các địa phương trong tỉnh Bình Dương tiến hành thống kê, rà soát để giới thiệu việc làm cho công nhân từ các công ty cắt giảm đến nơi cần tuyển dụng. Cách làm này phần nào giải được “bài toán” thất nghiệp cho hàng ngàn người lao động trong bối cảnh khó khăn chung, đồng thời giúp Bình Dương "giữ chân" lao động. 

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết: “Đối với ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, chúng tôi sẽ tăng cường kết nối giữa người lao động và giữa doanh nghiệp còn nhu cầu tuyển dụng, để đảm bảo có sự gặp gỡ gần nhất, nhanh nhất giữa người tìm việc và việc tìm người. Chúng tôi sẽ tổ chức tiếp nhận, giải quyết tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và qua đó cũng sẽ tư vấn, hỗ trợ học nghề cho họ từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp"- ong Tuyên nói.

Chung tay chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp mất đơn hàng, đứng trước nguy cơ phá sản, Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Bình Dương đang rà soát để tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ kịp thời. Sở Công thương Bình Dương tăng cường tổ chức các đợt xúc tiến thương mại để tìm đơn hàng cho doanh nghiệp, từ đó giúp người lao động có việc làm. Liên đoàn Lao động tỉnh dự kiến trích 40 tỷ đồng và kiến nghị UBND tỉnh trích kinh phí hỗ trợ 25 tỷ đồng để chăm lo Tết cho người lao động khó khăn./.