Tỉnh Bình Định hiện có 3 trung tâm nghề cá tập trung tại 3 cửa biển gồm: Cảng cá Quy Nhơn, Cảng cá Đề Gi và Cảng cá Tam Quan. Địa phương có gần 6.000 tàu cá dài 6m trở lên được cấp đăng ký tàu cá theo quy định, trong đó hơn 3.200 tàu cá hoạt động vùng khơi. Những năm gần đây, trữ lượng hải sản khai thác hàng năm liên tục tăng. Tỉnh này xác định việc quản lý, giám sát chặt tàu cá hoạt động trên biển là biện pháp quan trọng trong công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn tình trạng tàu cá của tỉnh Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài.
Hội nghị đối thoại với ngư dân, thương lái, doanh nghiệp và đại diện các địa phương tập trung tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp và ngư dân, thúc đẩy hoạt động chống khai hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (còn gọi là chống khai thác IUU) ngày càng hiệu quả.
Tại Hội nghị, nhiều ngư dân và doanh nghiệp mua bán, chế biến hải sản ở Bình Định cho rằng, nguồn lợi thủy sản trên biển suy giảm; quy trình làm thủ tục ra, vào các cảng quá phức tạp, mất nhiều thời gian… dẫn tới tình trạng một số tàu cá vi phạm quy định chống khai thác IUU. Nhiều doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý ngành thủy sản sớm có giải pháp quản lý nhật ký khai thác của tàu cá bằng điện tử.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết: “Bình Định có nhiều tàu lớn, số liệu đánh bắt rất cụ thể. Nên chăng chúng ta số hóa hệ thống phần mềm của mình để tạo được hệ thống quản trị phần mềm có tính kết nối với trung ương và các địa phương khác. Đó là một trong những điều quan trọng trong việc giải quyết chống khai thác IUU”./.