Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, tại tỉnh Cao Bằng liên tiếp xảy ra tai nạn tại các mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Riêng năm 2020 đã xảy ra tới 4 vụ tai nạn khiến 3 người chết, 1 người bị thương. Một con số đáng lo ngại đối với công tác an toàn lao động của các mỏ đá tại địa phương này.
Mỏ đá Khưa Vặn, tại xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng công suất khai thác chỉ 15.000 -20.000 m3/năm. Mỏ đã dừng hoạt động từ tháng 9/2020 để chờ cấp phép mới, tuy vậy, trong thời gian hoạt động của năm 2020, mỏ đá này đã có 2 vụ tai nạn khiến 1 người chết, 1 người bị thương.
Ông Đàm Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng xác nhận: "Sau khi xảy ra tai nạn, UBND xã xác minh thì đơn vị báo cáo là có 2 vụ việc xảy ra như vậy. Liên quan đến vấn đề an toàn lao động, khai thác mỏ đá thì cũng đáng lo ngại, nhưng chúng tôi cũng chỉ tuyên truyền thôi, do nhu cầu việc làm của người dân là cao, việc kiểm tra an toàn lao động thì xã không đủ thẩm quyền nên cũng chỉ yêu cầu doanh nghiệp chấp hành đúng các quy định về đảm bảo an toàn lao động khi sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn".
Hiện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có khoảng 40 mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng, thực tế hơn 20 mỏ còn hoạt động với số nhân công khoảng 120 người. Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Cao Bằng, từ 2018 đến nay, năm nào địa phương này cũng xảy ra các vụ tai nạn lao động đáng tiếc ở các mỏ đá khiến 8 người chết, 2 người bị thương. Điển hình có thể kể đến vụ tai nạn tại mỏ đá xóm Nà Chia, xã Lương Can, huyện Thông Nông (nay là Hà Quảng) năm 2018 làm 3 người chết, 1 người bị thương. Hay năm 2019 là vụ sập mỏ đá Phia Viềng thuộc xã Dân Chủ, huyện Hòa An làm 2 người tử nạn…Năm 2019 cũng xảy ra việc đá lăn từ khu khai thác đá làm sập nhà dân và khiến 1 người bị thương nặng tại huyện Quảng Hòa.
Ông Đỗ Minh Trọng, Chánh Thanh tra sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cao Bằng cho rằng: "Nguyên nhân chủ yếu là người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định. Đặc biệt việc tập huấn về an toàn lao động, chưa phân loại công việc độc hại, nặng nhọc cho người lao động, Khi khai thác cũng chưa thực hiện đúng theo thiết kế, kỹ thuật, như thực hiện cắt tầng chưa đảm bảo. Nguyên nhân nữa, do người lao động còn chủ quan, theo quy định khai thác trên cao cách cos 0 từ 2-2,5m trở lên phải thắt dây an toàn nhưng nhiều người lại không thực hiện việc đó".
Theo quan sát thực tế của phóng viên, nhiều mỏ đá tại Cao Bằng đã không khai thác cắt tầng, nhiều mỏ có tình trạng đá treo trên các đỉnh gương khai thác, một số mỏ còn để xảy ra tình trạng khói bụi, tiếng ồn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân.
Bà Lục Thị Hoa ở xóm Nặm Loát, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An sinh sống cạnh mỏ đá Thâm Bốc phản ánh: "Nhiều khi nổ mìn bát đĩa xô rung reng lên hết. Bắn mìn thì không giờ giấc gì cả. Bụi mùa khô tản mạn khắp, tôi không thích nhưng biết làm sao được".
Chỉ 3 năm nhưng đã có tới 6 vụ tai nạn với 10 người thương vong do khai thác đá, đây là một con số đáng lo ngại. Do đó, rất cần các đơn vị khai thác cũng như cơ quan chức năng của địa phương này có các giải pháp hiệu quả nhằm tránh những vụ tai nạn đáng tiếc tiếp tục xảy ra./.