Theo thông tin từ bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, vào ngày 26/8 vừa qua, bệnh nhân Trần Minh Thư, sinh năm 1994, quê ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang được chuyển đến bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu với tình trạng thai 37 tuần 5 ngày, có dấu hiệu chuyển dạ sanh, ít ối, nhẹ cân, đáng lo ngại là sản phụ bị tim bẩm sinh tím tái, ngón tay dùi trống.
Theo người nhà, sản phụ bị tim bẩm sinh từ nhỏ, nhưng do không điều trị tại tại bệnh viện chuyên khoa và trong thai kỳ không được theo dõi sức khỏe chuyên khoa tim mạch nên dẫn đến tình trạng nguy kịch này.
Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật. |
Tại bệnh viện, qua kết quả siêu âm tim, các bác sĩ xác định đây là trường hợp nặng, đánh giá nguy cơ tử vong trong và sau mổ rất cao nên tiến hành hội chẩn bệnh viện với nhiều chuyên khoa với chẩn đoán: Bệnh tim bẩm sinh tím (hay gọi là tứ chứng Fallot). Ngay sau đó, ê kíp phẫu thuật tiến hành mổ cấp cứu lấy thai ngay cho bệnh nhân. Sau 30 phút, ca phẫu thuật thành công, một bé gái nặng 1,8kg chào đời, hồng hào, khỏe mạnh.
Hiện, tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, đứa bé khỏe mạnh và đang được điều trị tiếp tại Khoa Sản và các bác sĩ sẽ hội chẩn tiếp để lựa chọn thời gian phẫu thuật tim cho bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc chuyên môn, giám đốc trung tâm Tim mạch của bệnh viện khuyến cáo, phụ nữ trước khi mang thai cần tầm soát các bệnh tim bẩm sinh và điều trị ngay nếu có thể. Không nên mang thai nếu tình trạng tim mạch chưa ổn định.
Cần lưu ý thêm, cho dù bệnh tim mạch đã ổn định và có thể mang thai, một thai kỳ ở người có tứ chứng Fallot vẫn là một thai kỳ nguy cơ cao và cần được đánh giá, theo dõi sát sao bởi bác sĩ Sản khoa, bác sĩ Tim mạch và bác sĩ Nhi khoa trong giai đoạn tiền thai kỳ, thai kỳ và hậu sản./.