Gần 20 tham luận tại hội nghị đã tập trung thảo luận 4 vấn đề chính:Ý nghĩa của du lịch tâm linh, giao lưu văn hóa và du lịch có trách nhiệm; Tăng cường sự tương tác giữa người với người thông qua du lịch tâm linh; Tính bền vững tại các điểm du lịch tâm linh- phát triển trọng tâm và quản lí có trách nhiệm; Sản phẩm du lịch tâm linh- những kinh nghiệm thực tiễn. Hội nghị “Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững” đã làm nổi bật tầm quan trọng của loại hình du lịch tâm linh với nhiều tiềm năng phát triển đặc biệt tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam; đồng thời khẳng định việc giao lưu giữa con người với con người thông qua du lịch tâm linh sẽ đẩy mạnh đối thoại, xây dựng mối quan hệ hiểu biết giữa các nền văn hóa.

tamlinh.jpg
Khai mạc Hội nghị Quốc tế “Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững”.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Hoàng Tuấn Anh- Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Phát triển du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng góp phần thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, hiểu biết giữa các dân tộc, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư phát triển kinh tế.

Sự phát triển du lịch tâm linh góp phần quan trọng tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương, nâng cao năng lực cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

Hội nghị đã kết thúc với việc ra Tuyên bố Ninh Bình về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững.

Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan: Tăng cường các khuôn khổ chính sách, thúc đẩy hợp tác với cộng đồng, bảo vệ và gìn giữ các giá trị truyền thống; Khuyến khích giáo dục và đào tạo, nâng cao hiểu biết của cộng đồng trong việc quản lý du lịch và tham gia xây dựng chính sách; Thúc đẩy và ủng hộ các nhóm dân cư thông qua du lịch tâm linh, đặc biệt là đối với người dân bản địa, phụ nữ, thanh niên và người tàn tật; Tăng cường hợp tác quốc tế, đảm bảo sự tồn tại của các giá trị truyền thống thông qua thế hệ tương lai./.