Sau khi Thanh tra tỉnh Hòa Bình phát hiện hàng loạt tồn tại, vi phạm trong quá trình thực hiện một số dự án phát triển rừng, các cơ quan chức năng ở tỉnh Hòa Bình đã tiến hành rà soát việc thực hiện quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với các dự án trồng rừng trên địa bàn. Qua đó cho thấy nhiều bất cập còn tồn tại trong công tác giao đất giao rừng khi triển khai thực hiện dự án.
Thực hiện Kết luận thanh tra số 05 của Thanh tra tỉnh Hòa Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị trấn, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát xác định rõ hiện trạng đất, rừng đối với Dự án trồng rừng nguyên liệu, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng tại xã Tân Minh, huyện Đà Bắc; Dự án trồng rừng nguyên liệu tại xã Chung Thành, huyện Đà Bắc; Dự án trồng rừng, phát triển rừng tại thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc; Dự án trồng rừng tại huyện Cao Phong; Dự án du lịch sinh thái Thác Thăng Thiên, thành phố Hòa Bình.
Qua quá trình kiểm tra cho thấy, hầu hết các dự án có diện tích đất được giao chồng lấn với diện tích đã giao cho các hộ dân theo Nghị định 02 ngày 15/1/1994 của Chính phủ, hoặc được giao đất chồng lấn với đất lâm nghiệp. Dự án trồng rừng nguyên liệu tại xã Tân Minh, Trung Thành, Mường Chiềng, huyện Đà Bắc do Công ty TNHH một thành viên D&G Hòa Bình là một điển hình. Qua kiểm tra thực tế trên 200 ha thuộc quy hoạch rừng phòng hộ của dự án cho thấy có 178 ha rừng tự nhiên, kiểm tra trên 900 ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất cũng có tới trên 600 ha rừng tự nhiên. Ngay như một dự án rất nhỏ, chỉ trên 60 ha, của Công ty Cổ phần Thung Xanh đầu tư du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên tại thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc cũng chậm triển khai chỉ vì lý do cấp đất chồng lấn vào đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.
Ông Bùi Văn Phư, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Lạc, cho biết, dự án đang tạm dừng do giao đất chồng lấn với đất lâm nghiệp: "Các dự án có diện tích rừng tự nhiên nằm trong dự án xin đầu tư thì diện tích rừng đã được giao cho xã, người dân quản lý, nên không thể chuyển đổi mục đích để giao cho dự án được".
Được biết, dự án đã chậm tiến độ nhiều năm và đơn vị này đang phải hoàn thiện lại hồ sơ. Dưới góc độ của nhà đầu tư, ông Phạm Quốc Hiển, Giám đốc Công ty Cổ phần Thung Xanh, kiến nghị: "Doanh nghiệp thì cũng giống như hộ dân cũng là một tư cách pháp nhân. Cũng mong muốn được tiếp nhận quản lý, chăm sóc rừng theo đúng quy định của Nhà nước để tăng khoảng xanh đúng theo mục đích du lịch sinh thái".
Thực hiện theo kết luận của thanh tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tiến hành rà soát toàn bộ diện tích đất, rừng được giao cho 5 trong số 10 dự án phát triển rừng để xác định rõ đâu là diện tích có thể trồng rừng, chỗ nào để khoanh nuôi, bảo vệ.
Ông Trần Văn Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình, cho biết, vì nhiều lý do hiện các dự án hầu như chưa triển khai, chỉ có một số ít dự án triển khai thực hiện trên diện tích rất nhỏ: "Khi thực hiện giao đất cho dự án lại không giao rừng, khi diện tích rừng tự nhiên tăng lên bao nhiêu cũng không biết, nên triển khai gặp nhiều khó khăn. Nay rà soát lại hiện trạng rừng tự nhiên sẽ có biên bản với chính quyền địa phương để đưa diện tích rừng vào quản lý sau này đối với các dự án".
Được biết, các dự án phát triển rừng có quy mô lớn ở tỉnh Hòa Bình hầu hết đều bắt đầu triển khai thực hiện từ giữa những năm 2000 và đều triển khai theo hệ thống văn bản pháp luật trước kia. Qua công tác thanh tra rà soát một số dự án phát triển rừng tại tỉnh Hòa Bình cho thấy việc thực hiện các dự án còn chậm. Có dự án được giao sau 14 năm vẫn chưa được triển khai, nhiều khu vực đất trống đồi trọc được giao đến nay đã tự mọc thành rừng tự nhiên. Nhiều vị trí chồng lấn người dân đã tiến hành trồng rừng và cho thu hoạch nhiều kỳ.
Ông Doãn Quang Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, cho biết sẽ cùng cấp huyện xã rà soát chỗ nào chồng lấn sẽ điều chỉnh, thu hồi lại giao về địa phương theo luật để quản lý. Sẽ giao cho dân, hay cho thuê thầu, mục tiêu cũng là an dân.
Câu chuyện nhiều dự án phát triển rừng ở tỉnh Hòa Bình do khi giao đất bị chồng lấn với đất đã cấp cho dân, hay chồng lấn vào đất lâm nghiệp gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện dự án và việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Dự án chậm triển khai, đất rừng bỏ hoang, dân lại không có đất sản xuất đang là thực tế ở tỉnh Hòa Bình cần sớm được giải quyết./.