12 ngày đêm oanh tạc Hà Nội, 81 máy bay Mỹ đã bị quân ta bắn hạ, hàng chục phi công Mỹ bị bắt làm tù binh, bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Giữa lúc đất nước khó khăn, nhưng những tù binh phi công Mỹ tại đây đã được đối xử hết sức nhân đạo.

Những ngày này, khu di tích Nhà tù Hỏa Lò đông hơn thường lệ. Du khách đến đây dừng chân lâu hơn ở khu trưng bày hình ảnh, hiện vật về cuộc chiến đấu 12 ngày đêm trong trận Điện Biên Phủ trên không và cuộc sống của tù binh phi công Mỹ. Họ muốn biết về những tội ác mà đế quốc Mỹ đã gây ra cho Việt Nam, cũng như để hiểu thêm về chính sách nhân đạo của Việt Nam đối với tù binh Mỹ.

Trong hàng nghìn du khách có mặt tại Nhà tù Hỏa Lò có một vị khách đến từ Mỹ, ông xem một cách chăm chú từng bức ảnh, từng hiện vật ở đây. Ông nói: “Tham quan Nhà tù Hỏa Lò tôi cảm thấy hối hận đối với những gì người Mỹ làm với người Việt Nam và về cuộc chiến tranh của người Mỹ tại Việt Nam. Những gì tôi thấy ở đây không phải là những gì tôi được nghe kể. Tại đây tôi thấy được nhiều nỗi đau của người Việt”.

nha-tu-hoa-lo.jpg
Nhà tù Hỏa Lò (Ảnh: KT)

Bà Tanja, khách du lịch Thụy Sỹ chỉ biết đến Việt Nam qua Internet. Sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam khác hẳn với những gì bà được biết. Sau khi nghe người hướng dẫn viên thuyết minh về cuộc chiến đấu anh dũng 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không và cuộc sống của tù binh phi công Mỹ, bà nói: “Tôi cảm thấy xúc động khi những phi công Mỹ được đối xử tốt, ngay cả khi họ đã tàn phá đất nước Việt Nam. Mặc dù vậy, người Việt Nam rất nhân đạo, trang bị cho phi công Mỹ những điều kiện tốt khi bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò”.

Đến Hà Nội đúng dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, ông Mason, người Australia đã chọn Nhà tù Hỏa Lò là nơi tham quan đầu tiên và có cảm nhận đặc biệt: “Tôi cảm thấy xúc động và kính phục về cuộc chiến tranh chống Mỹ của người Việt Nam. Đó là khoảng thời gian buồn của các bạn. Tuy nhiên, khi ở Nhà tù Hỏa Lò tù binh phi công Mỹ lại được đối xử rất tốt”.

40 năm trước, Nhà tù Hỏa Lò là nơi giam giữ tù binh phi công Mỹ bị các lực lượng phòng không, không quân Việt Nam bắn rơi và bắt sống. Giữa thời kỳ đất nước gặp nhiều khó khăn, nhưng những tù binh phi công Mỹ tại đây được hưởng nhiều chính sách nhân đạo.

Ông Nguyễn Văn Phương-từng là quản giáo ở Hỏa Lò cho biết: Tù binh phi công Mỹ ở Hỏa Lò được đối xử đặc biệt, được ở phòng rộng rãi, bữa sáng là một ca sữa hoặc cà phê nóng, một ổ bánh mỳ và một quả chuối hoặc quýt ăn tráng miệng. Bữa chính của họ còn "sang trọng" hơn với 2 ổ bánh mỳ và một tô súp to nấu bằng thịt bò, thịt lợn, thịt gà, khoai tây, cải bắp, bí... Đặc biệt, trong ngày lễ giáng sinh những tù binh phi công Mỹ được tổ chức những nghi lễ như tại đất nước mình.

Được chăm sóc chu đáo, được học ngoại ngữ tùy thích, được đọc sách, chơi đàn, vẽ tranh, chơi thể thao giải trí… những tù binh phi công Mỹ đã được người Việt Nam đối xử hết sức nhân đạo.

Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng tại di tích Nhà tù Hỏa Lò còn lưu lại lời tự thú của tù binh phi công Mỹ. Một trung tá điều khiển máy bay B.52 tên là William Conlee viết: “Sự ám ảnh trong những ngày bị bắt tại Hà Nội rất khó có thể phai nhòa. Tôi cứ nhớ mãi những hố bom giữa Hà Nội. Tôi biết rằng người Việt Nam lúc bắt tôi, dù có đánh và xé xác tôi ra, chúng tôi cũng phải chịu. Thế nhưng họ không đối xử như thế. Vào đến đây, mọi suy nghĩ của chúng tôi bị đảo lộn. Đảo ngược hẳn”.

Ngày nay, di tích Nhà tù Hỏa Lò được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là một trong những địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Giá trị của Khu di tích không chỉ ở những hiện vật lịch sử của một cuộc chiến tranh phi nghĩa, những bằng chứng tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam, mà cao hơn, ý nghĩa hơn khi nơi đây trở thành một bằng chứng, một bài học về tinh thần yêu nước, truyền thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Đó là một dân tộc biết cầm súng để bảo vệ mình trước quân xâm lược nhưng cũng hết sức nhân đạo, sẵn sàng tha thứ cho kẻ bại trận, sẵn sàng xóa bỏ hận thù, kết thêm tình bạn. Đó là bài học, là nội lực để người Hà Nội hôm nay đứng lên xây dựng lại thủ đô yêu dấu của mình./.