Người dân tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang phản ánh về tình trạng sông Phó Đáy, đoạn qua các địa phương này có dấu hiệu bị ô nhiễm mà nguyên nhân có thể do tình trạng xả thải trái phép diễn ra suốt nhiều năm qua.
Theo phản ánh của người dân xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, suốt hàng chục năm qua, dòng sông Phó Đáy đoạn chảy qua xã thường xuyên xuất hiện tình trạng bọt trắng, nước đen đục và có mùi hôi.
Ông Giàng Seo Sình, Trưởng thôn Vàng On, xã Trung Minh cho biết: “Vào thời gian này thường cứ khoảng 2 giờ chiều là xả, đến 9-10 giờ đêm là hết. Hiện tượng này đã lâu, cỡ chục năm về trước. Bà con ở đây phản ánh nhiều, từ qua trang mạng xã hội đến gửi đơn trực tiếp nhưng cũng chưa được xử lý dứt điểm”.
Chiều ngày 7/5 vừa qua, một số người dân đang tắm giặt dưới sông đã phải bỏ chạy lên bờ vì nước sông lại có bọt trắng chảy về từ phía thượng nguồn thuộc tỉnh Bắc Kạn.
Anh Chu Văn Xiêm, bản Pinh, xã Trung Minh cho biết, anh và người dân rất lo lắng vì tình trạng xả thải này, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
“Các cháu nhỏ thường xuống sông tắm gội, về hay bị ngứa ngáy, rồi thì gia súc cũng dùng nước này. Còn trời nắng mà xả thải thì nước sông bốc mùi hôi khó chịu, vào gần cảm thấy choáng váng”, anh Xiêm cho biết.
Theo ông Ma Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Trung Minh, huyện Yên Sơn cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường của sông Phó Đáy trên địa bàn đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng cũng không có cách nào để giải quyết.
“Các xã dọc tuyến như Trung Minh, Hùng Lợi, Trung Sơn, huyện Yên Sơn đều đã có ý kiến rồi. Trước đây Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang có vào lấy mẫu nước, nhưng việc xả thải thường vào ban đêm, khi trời mưa hoặc cũng có khi vào không đúng dịp xả nên mẫu nước vẫn đảm bảo”, ông Mạnh nói.
Ngược dòng sông về phía thượng nguồn, người dân và chính quyền xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cũng phản ánh sông Phó Đáy có màu lạ và nổi bọt bất thường.
Lý giải cho việc này, ông Ngô Văn Viện, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trên lưu vực sông Phó Đáy đoạn qua tỉnh Bắc Kạn chỉ có một nhà máy sản xuất giấy đế của Công ty TNHH Giấy và gỗ Bình Trung hoạt động từ năm 2008 và một vài cơ sở chế biến sắn nhỏ lẻ. Đây có lẽ là nguyên nhân gây ra hiện tượng “bức tử” sống Phó Đáy.
“Người dân có phản ánh hiện tượng nước thải do nhà máy giấy tại Bình Trung gây ra, chúng tôi có thanh tra, kiểm tra và yêu cầu khắc phục. Chúng tôi yêu cầu lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cho đảm bảo đúng quy chuẩn nước thải ra môi trường. Hiện nay công ty đang hoàn thiện và chúng tôi hướng dẫn lập hồ sơ để xác nhận công trình bảo vệ môi trường. Còn trong quá trình triển khai cũng như qua phản ánh của báo chí, người dân, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra xem có phải nguồn thải đến từ nhà máy giấy hay đến từ nguyên nhân khác”, ông Viện thừa nhận.
Với việc không có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp và chế biến nông lâm sản, có lẽ việc tìm ra nguyên nhân của tình trạng sông Phó Đáy có biểu hiện bất thường là không quá khó.
Vậy nhưng suốt nhiều năm qua, người dân vẫn phải mòn mỏi trông ngóng câu trả lời từ cơ quan quản lý về nguyên nhân khiến sông Phó Đáy bị ô nhiễm./.