Theo thống kê của tỉnh Bắc Kạn, địa phương này có khoảng hơn 400 điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 2.100 hộ dân. Trong đó có khoảng 1.000 hộ diện nguy cơ cao và rất cao. Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân, phương án tối ưu vẫn là di dời người dân đến nơi ở mới an toàn hơn. Tuy vậy, để thực hiện di dân tập trung đến nơi ở mới có đủ điều kiện về nhà cửa, hạ tầng giao thông, điện, nước và đất sản xuất sẽ cần chi phí tới vài trăm triệu đồng/hộ. Đây là số tiền không nhỏ với tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn. Còn với hình thức di dân xen ghép, số kinh phí hỗ trợ cũng lên đến khoảng 50 triệu đồng/hộ. Do đó, dù nỗ lực nhưng 2 năm qua Bắc Kạn chỉ bố trí di dân tập trung được vài chục hộ gia đình, số hộ nằm trong diện nguy cơ sạt lở, lũ quét của Bắc Kạn vẫn ở mức cao.
Bên cạnh đó, Bắc Kạn cũng có hàng chục hồ chứa, công trình thủy lợi đã cũ, xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa lớn. Đây cũng là những nguy cơ tiềm ẩn mỗi khi mưa, lũ xảy ra.
“Một là nguồn lực của tỉnh để khắc phục còn hạn chế, chủ yếu là từ Ngân sách Nhà nước và Trung ương hỗ trợ. Thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ thì sức dân cũng có hạn, trong lúc vừa khắc phục thiệt hại nhà ở còn phải lo phục hồi sản xuất nông nghiệp và sửa chữa cơ sở hạ tầng khác. Hai là do đặc điểm điều kiện tự nhiên của tỉnh nên thiệt hại và mức khắc phục thường rất lớn. Ba là do điều kiện cảnh báo, dự báo còn khó khăn nên công tác ứng phó, khắc phục đôi khi còn chưa đáp ứng được”- ông Hà Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn cho biết.
Thiên tai cũng gây nhiều thiệt hại cho ngành giao thông vận tải Bắc Kạn. Tính từ đầu năm đến nay, kinh phí khắc phục các điểm sạt lở do mưa lũ lên đến hơn 45 tỉ đồng trong khi phần xử lý thiệt hại do thiên tai năm ngoái vẫn chưa được thanh toán. Ngoài thiếu kinh phí, việc chủ động phòng tránh và khắc phục hậu quả thiên tai của ngành giao thông cũng còn gặp không ít khó khăn do quy định hiện hành.
“Trước đây Nghị định 32 quy định hành lang đường bộ theo cấp đường. Tuy nhiên, theo khái niệm của ngành Nông nghiệp, tất cả đất rừng tự nhiên cũng thống kê cả hành lang đường bộ, nên xảy ra thiên tai mang tính khẩn cấp, nếu khắc phục mở vào taluy dương là đất rừng tự nhiên sẽ phải làm thủ tục xin cấp đất. Vì vậy, việc khắc phục nhanh giao thông đang vướng do các nghị định chồng chéo vào nhau, và để làm đúng thủ tục cấp đất thì có khi thời gian kéo dài cả năm”- ông Đặng Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT Bắc Kạn cho biết.
Theo thống kê của tỉnh Bắc Kạn, chỉ trong những tháng đầu năm nay, thiên tai đã làm hơn 360 ngôi nhà hư hại, hơn 2.000 vật nuôi bị chết, hơn 1.600 ha hoa màu bị ảnh hưởng, nhiều công trình xây dựng và hơn 252.000m3 đất đá sạt lở… ước thiệt hại lên đến gần 70 tỉ đồng. Đây là con số không nhỏ với một địa phương miền núi có mức thu ngân sách chỉ khoảng 700 tỉ đồng mỗi năm như Bắc Kạn./.