Bám sát địa bàn, tăng cường lực lượng tại những nơi trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự là một trong những nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn trong những năm qua. Bên cạnh đó, với phương châm "cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc" các cán bộ, chiến sỹ còn giúp bà con nâng cao kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, góp phần phát triển sản xuất, đảm bảo cuộc sống, củng cố niềm tin của người dân vào đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đấu tranh với những luận điệu tuyên truyền sai trái.

bo_doi_1_jakv.jpgBộ đội dạy kỹ thuật trồng ngô cho bà con

Cách trung tâm thị xã Bắc Kạn gần 100 km, mất hơn 3 tiếng đồng hồ vượt qua nhiều đoạn cua khúc khuỷu, đồi dốc chúng tôi mới có mặt tại thôn Cốc Nghè, xã Cổ Linh. Đây là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Bắc Kạn. Hiện, toàn thôn có 84 hộ với 460 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mông, sinh sống chủ yếu dựa vào canh tác ngô, lúa trên những triền đất dốc.

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, các cán bộ, chiến sĩ đoàn công tác của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn lên phương án phối hợp với các ngành chức năng  đã tăng cường lực lượng thực hiện "4 cùng" với đồng bào. Trong thời gian công tác, các cán bộ, chiến sĩ đã bám địa bàn, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí, tuyên truyền vận động nhân dân bài trừ các hủ tục mê tín, lạc hậu, giúp bà con phát triển sản xuất, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Ông Lý Văn Mình, người dân thôn Cốc Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pắc Nặm cho biết, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy quận sự tỉnh đã đến thôn Cốc Nghè, tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn người dân trồng ngô, lúa trên đất dốc. Tối đến, đoàn công tác chiếu phim, cấp phát thuốc, cũng như tặng quà cho những gia đình khó khăn khiến người dân nơi đây rất vui và cảm động.

Tại địa phương, các cán bộ, chiến sĩ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý, đăng ký hộ khẩu, hộ tịch cho bà con; tuyên truyền các văn bản, quy định về quản lý, bảo vệ rừng, giữ gìn truyền thống văn hoá, không di cư tự do. Trước hết là tuyên truyền để đồng bào hiểu và động viên con em đến trường theo độ tuổi, sinh đẻ có kế hoạch, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu.

Là một trong những cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn tham gia đoàn công tác ở thôn Cốc Nghè, xã Cổ Linh, Thượng úy Hà Đức Kiệm cảm thấy rất vui vì đã góp phần công sức chia sẻ khó khăn với bà con.

 
Người dân xã Cổ Linh, huyện Pắc Nặm canh tác trên ruộng ngô

Thiếu tá Nông Đức Tuân, Trưởng ban Dân vận, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn cũng cho rằng, bằng những hoạt động thiết thực, đoàn công tác đã vận động nhân dân bài trừ các hủ tục mê tín, lạc hậu, giúp bà con phát triển sản xuất, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Qua hoạt động này, 14 gia đình có hoàn cảnh khó khăn của thôn Cốc Nghè đã được hỗ trợ, gần 150 lượt người đã được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí. Nhiều buổi nói chuyện, sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã được đông đảo bà con hưởng ứng.

Những cái bắt tay giữa người dân thôn Cốc Nghè với các cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy Quân sự Bắc Kạn dường như bịn rịn hơn sau mỗi đợt công tác. Ở huyện vùng cao Pắc Nặm giờ đây những chân ruộng mới đã được thay thế bằng giống ngô, cây lúa có năng suất cao, thêm nhiều trẻ em đến trường, cuộc sống của người dân khởi sắc hơn. Đó chính là kết quả cụ thể của các cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn đã mang lại không chỉ cho thôn Cốc Nghè, mà còn ở nhiều địa phương khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua. Đây chính là những việc làm thiết thực củng cố tình cảm quân dân ở vùng còn nhiều khó khăn./.