Sự kiện này đã thu hút được hơn 120 đại biểu đại diện cho các thanh niên của 21 nền kinh tế thành viên APEC. 17 thanh niên ưu tú đại diện cho hàng ngàn thanh niên Việt Nam tham dự diễn đàn với mong muốn được đóng góp tiếng nói chung của thanh niên vào kiến tạo đường hướng cho tương lai của APEC.

ban_tre3_vov_cuhd.jpeg
Lê Huy Tùng.

Lê Huy Tùng, 23 tuổi, hiện đang công tác tại Công an tỉnh Sơn La là một trong số 17 thanh niên Việt Nam tham dự Diễn đàn Tiếng nói tương lai Châu Á Thái Bình Dương 2017.

Vượt qua hàng ngàn thanh niên, sinh viên trong cả nước, Tùng đến Diễn đàn này với mong muốn đóng góp tiếng nói chung của các thanh niên đang sinh sống tại khu vực nông thôn, miền núi khó khăn gửi lên các nhà hoạch định chính sách của APEC.

Khoảng cách phát triển chính là một trong những trở ngại khiến tăng trưởng của các nền kinh tế của APEC chậm lại. Chính khoảng cách đó đã tác động tiêu cực đến nhóm người yếu thế như người nghèo, người tàn tật, dân tộc thiểu số...

Lê Huy Tùng nói: “Khi tham dự VOF em muốn thay mặt những thanh niên ở vùng sâu vùng xa góp tiếng nói vào chương trình này thể hiện vào những vấn đề mà diễn đàn đang quan tâm như là tạo động mới cùng vun đắp tương lai chung thì các bạn trẻ sống ở khu vực vùng nông thôn,vùng sâu vùng xa cũng cần có tiếng nói của chính mình để đóng góp vào các vấn đề chung này”.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Lê Huy Tùng đã tham gia vào nhiều chương trình phát triển của giới trẻ, đặc biệt là nhóm thanh niên vùng nông thôn, miền núi. Lê Huy Tùng đã có những đóng góp vào sáng kiến đưa công nghệ thông tin về vùng sâu vùng xa, tìm kiếm các cơ hội startup cho thanh niên vùng núi.

Còn chàng trai Mai Nguyễn Công Thuận, 20 tuổi, sinh viên năm thứ 3, Khoa thương mại, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng lại rất tự hào khi được tham gia diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017.

Mai Nguyễn Công Thuận.

Công Thuận khá tự tin với thành tích học tập và nghiên cứu khá ấn tượng. Thuận từng là thủ khoa đầu vào của Trường Đại học Kinh tế năm 2015, vượt qua rất nhiều thanh niên có thành tích cao để tham gia chương trình trao đổi sinh viên do Quỹ Erasmus+ (Quỹ học bổng Liên minh châu Âu) tài trợ tại Trường Đại học Khoa học và Ứng dụng Westphalian (Đức). Tại đây, Thuận có 6 tháng học tập, trải nghiệm văn hóa của người Đức, học hỏi phong cách làm việc năng động, chuyên nghiệp, trách nhiệm.

Sau chuyến học tập ở Đức, Thuận trở về nước tiếp tục học tập, nghiên cứu và một lần nữa thành công ở Cuộc khi khởi nghiệp Danang Startup Runway với sản phẩm áo khoác đa năng, được thiết kế và kết hợp khéo léo vừa là chiếc áo khoác, vừa là ba lô đồng thời có thể mở ra thành túi ngủ. Dự án này đã giành giải nhất và tiếp tục mang lại cho Thuận cơ hội học tập, trải nghiệm ở đất nước Ireland.

Là một sinh viên năng động, Thuận còn tham gia làm hướng dẫn viên tình nguyện cho dự án “Danang free walking tour”, một dự án hướng dẫn tham quan du lịch miễn phí dành cho khách quốc tế đến Đà Nẵng. Thuận cho biết, bạn sẽ tận dụng cơ hội này để trao đổi những kinh nghiệm, những kiến thức quý giá của bạn bè quốc tế về chương trình khởi nghiệp, tiếp xúc với các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới chính là cơ hội lớn chưa từng có.

“Khi đến với diễn đàn này, chúng em cũng mang nhiều tâm tư nguyện vọng của mình, những thắc mắc về khởi nghiệp ở các diễn đàn thanh niên, có những câu hỏi cho các nhà lãnh đạo kinh tế APEC để mong qua đó em sẽ được học nhiều bài học lý thú để từ đó có thể áp dụng vào các dự án khởi nghiệp thực tế của bọn em”, Thuận chia sẻ.

Mai Nguyễn Công Thuận cũng cho biết, các thanh niên Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội của Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017 để quảng bá hình ảnh một đất nước thân thiện, năng động và mến khách, và đặc biệt có thể mang đến cho du khách ấn tượng đẹp về những điểm đến của thành phố quê hương, của đất nước.

Phạm Thảo Nguyên.

Cô bạn sinh viên Phạm Thảo Nguyên, sinh viên năm thứ 4 trường Đại học kinh tế Đà Nẵng cũng có mong muốn thông qua Diễn đàn cấp cao APEC lần này, được có cơ hội học hỏi những kinh nghiệm startup. Điều mà cô đang ấp ủ ngay từ khi bước chân vào khoa cử nhân tài năng của trường đại học.

Thảo Nguyên nói rằng, tương lai của Việt Nam và tương lai của APEC nói chung sẽ nằm trong tay người trẻ. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, người trẻ cần phải tận dụng từng cơ hội, dù là nhỏ nhất để chuẩn bị cho tương lai của mình.

“Đây là cơ hội tốt để có thể trao đổi văn hóa, kinh nghiệm. Ngoài ra có các cuộc hội thảo về Starup về tình hình kinh tế thế giới. Nhờ những chương trình này chúng em có thể kiến thức về kinh tế về xã hội để có thể định hướng về tương lai của mỗi bạn trẻ”, Thảo Nguyên cho biết.

Để trở thành 1 trong 17 thanh niên Việt Nam tham gia diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017, mỗi thành viên đã phải trải qua những vòng phỏng vấn gắt gao. Mỗi bạn tham dự đều phải thể hiện sự hiểu biết của mình về sự kiện APEC; bày tỏ quan điểm và kỳ vọng của bản thân qua diễn đàn, đồng thời lập kế hoạch quảng bá thành công hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế./.