vov_1_dwin.jpg
Trận lũ lịch sử xảy ra đợt cuối tháng 6 vừa qua cướp đi sinh mạng của hơn 20 người trên địa bàn tỉnh Lai Châu, trong đó thiệt hại về tài sản hơn 400 tỷ đồng
Rốn lũ Chu Va, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường có 1 người bị mất tích đến nay chưa tìm thấy thi thể. Rốn lũ nào cũng thiệt hại lớn về tài sản khi hàng trăm tấn cá nước lạnh bị dòng lũ cuốn trôi.
Riêng các hộ nuôi cá nước lạnh trên dòng suối Chu Va bị thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng.
Đến nay, đất đá vẫn ngổn ngang khắp nơi dù dòng suối đã trở nên hiền hòa hơn bao giờ hết.
Sau mất mát đó, lòng người dân nơi đây giờ vẫn ngổn ngang trăm mối, khi chưa tìm thấy người mất tích, nguồn vốn khắc phục cũng rất khó khăn.
Đây là trận lũ lịch sử dưới chân núi Hoàng Liên Sơn trong vòng 50 năm qua.
Sau lũ dữ, dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng các hộ dân nơi đây đã bắt đầu khôi phục lại sản xuất.
Cùng với sự giúp sức cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân cũng đang tự vực dậỵ sửa chữa lại các bể nuôi cá.
Nhiều kênh dẫn nước được xây lại để dẫn nước vào các bể chứa.
Dòng nước xiết đục ngầu ngày nào giờ đã trở lại trong xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khôi phục sản xuất.
Đá cuội trên suối được người dân sử dụng làm vật liệu để hàn gắn lại những mất mát về tài sản.
Anh Dương Hải Long, con trai nạn nhân Dương Ngọc Hưng, người mất tích trong trận lũ lịch sử nơi đây cho biết: Trận lũ đã làm gia đình anh bị thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng và đến nay vẫn còn nợ ngân hàng khoảng 4 tỷ đồng.
Những mảng màu tươi mới của sự hồi sinh đang dần hiện hữu.
Đến nay đã có hộ dân bắt đầu thả lứa cá đầu tiên sau lũ.
Cá tầm là loài chính được các hộ dân thả, với mong muốn nhanh thu hồi vốn.
Theo người dân nuôi cá nơi đây, sự tương trợ bằng cách bán chịu cho các giống cá của một số hộ nuôi tại Sa Pa (Lào Cai) là điều kiện thuận lợi để bà con khôi phục sản xuất.
Nước nguồn được người dân dẫn về các bể cá.
Gia đình ông Đỗ Chí Đoàn, hộ gia đình bị thiệt hại hơn chục bể cá thương phẩm, nay cũng bắt đầu thả lứa cá đầu tiên sau lũ.
Dòng nước xanh mát từ dãy núi Hoàng Liên Sơn sẽ là nguồn hy vọng cho người dân khôi phục sản xuất sau lũ dữ.