Thời gian qua, việc triển khai Đề án 06 được các cấp, sở ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang thực hiện một cách hiệu quả. Tổ công tác của tỉnh đã được thành lập và đi vào hoạt động, có kế hoạch và phương án triển khai cụ thể.
Tổ công tác đi vào hoạt động đã đóng góp, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến dân cư. Triển khai thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu. Triển khai tích hợp, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 25 dịch vụ công thiết yếu; trong đó hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã được triển khai 8/25 dịch vụ công thiết yếu...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án 06, địa phương cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như: Chưa đảm bảo an ninh, an toàn trong kết nối dữ liệu; trang thiết bị phục vụ số hóa hồ sơ tại Bộ phận một cửa các cấp còn thiếu. Ngoài ra, do mới bước đầu triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, nên phần lớn người dân, doanh nghiệp chưa thể tiếp cận đăng ký hồ sơ trực tuyến, mà phần lớn các hồ sơ phát sinh do cán bộ công chức, viên chức bộ phận 1 cửa làm.
Để thực hiện Đề án 06 có hiệu quả trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Các địa phương hết sức quan tâm đến các tổ cộng đồng, tập huấn, kiện toàn đầy đủ về số lượng; đồng thời, đảm bảo nắm chắc Đề án 06, để trên cơ sở đó đến tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân; mua sắm các trang thiết bị… để thực hiện công tác số hóa này.
Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương triển khai một cách có hiệu quả 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế cho các yêu cầu: xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… khi giải quyết các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự; nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người dân trong thời gian tới”./.