Theo số liệu thống kê của trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam tính từ đầu năm tới nay, đơn vị đã tiếp nhận 128 thông tin báo nạn từ các phương tiện trên biển giảm gần 20% so với năm 2021. Đáng chú ý là hơn 76% số vụ báo nạn là đến từ các tàu cá với thông tin bị hỏng máy, thủng vỏ tàu, tàu chìm do đâm va, ngư dân bị tai nạn lao động…
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Thụy, Trưởng phòng phối hợp cứu nạn, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải cho biết: “Qua các chuyến kiểm tra thâm nhập thực tế, các đợt tuyên truyền cho thấy tại nhiều địa phương bà con đi biển chưa trú trọng vào công tác trang bị các thiết bị cứu sinh, tủ thuốc,…thậm chí nhiều tàu còn trang bị các các loại thuốc quá hạn sử dụng”.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2022 vùng biển nước ta có thể sẽ chịu tác động của hơn 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Để chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm 2022, ông Vũ Việt Hùng, Phó Tổng giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho rằng, bà con ngư dân cần hết sức lưu ý đến việc chủ động ứng phó với bão, gió mùa và áp thấp khi ra khơi. Cần chủ động thông báo vị trí tọa độ tàu khai thác, thông tin kịp thời về bờ cho các lực lượng chức năng khi tàu gặp sự cố.
“Năm nào cũng vậy cứ tháng cuối năm thì thời tiết biển có diễn biến xấu và chúng ta đón nhận các cơn bão ảnh hưởng đến Biển Đông. Như vậy chúng ta phải có chuẩn bị hết sức tích cực để phòng ngừa tai nạn hay sự cố có thể xảy ra. Bà con ngư dân cần thường xuyên cập nhập thông tin về thời tiết để chủ động ứng phó…”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tai nạn sự cố đối với tàu cá ở nước ta đã giảm về số vụ việc, thiệt hại về người trong những năm qua. Những tháng cuối năm, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và các vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đòi hỏi lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cần có các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ ngư dân giúp họ an tâm vươn khơi bám biển phát triển kinh tế./.