Từ sáng ngày 1/5, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh và một số bệnh viện tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận nhiều người bệnh nghi do ngộ độc thực phẩm; Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã có chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời và Đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc trực tiếp tại Đồng Nai về vụ ngộ độc thực phẩm này.

Đến nay tổng số bệnh nhân đã tăng lên hơn 470 người, trong đó có 7 ca đang điều trị hồi sức tích cực và 2 bệnh nhi đang được lọc máu.

Trước vấn đề này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế hoan nghênh Sở Y tế và các bệnh viện Đa khoa Long Khánh, Bệnh viện Nhi Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai đã chủ động tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho nhiều người bệnh.

Đồng thời đề nghị Sở Y tế Đồng Nai tiếp tục tập trung, huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa kịp thời người bệnh. Theo dõi chặt chẽ người bệnh nặng và có nguy cơ tăng nặng, đặc biệt là các ca đang điều trị hồi sức tích cực, đồng thời quan tâm chăm sóc sức khỏe, động viên người bệnh và gia đình.

Ngoài ra, Sở Y tế Đồng Nai cần phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại khu vực phía Nam như Bệnh viện: Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Thống Nhất và các Bệnh viện Nhi đồng tuyến trên trong việc chuyển tuyến, hội chẩn chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa qua telehealth nếu cần thiết.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai báo cáo kịp thời về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế diễn biến tình hình, tình trạng người bệnh đang được điều trị để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế có chỉ đạo, hỗ trợ xử lý khi cần thiết.

Trước tình hình ngộ độc thực phẩm có diễn biến phức tạp, ngày 3/5, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Trong đó Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý; thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Trước đó như VOV đã thông tin, chiều 30/4, 73 người nhập viện sau khi ăn bánh mì tại một cơ sở ở phường Xuân Bình, TP.Long Khánh với biểu hiện sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng đường ruột. 

Các đơn vị chức năng của TP. Long Khánh đã tiến hành lấy mẫu thức ăn, kiểm tra cơ sở bánh mì nơi phát sinh sự việc. Cơ sở này có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, tuy nhiên không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở tạm ngừng kinh doanh bánh mì cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng tìm nguyên nhân vụ việc.

Hiện số ca nghi ngộ độc bánh mì vẫn còn tăng, VOV sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.