Theo bà Nguyễn Thị Hồi, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, hội nghị có sự tham dự của gần 300 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có gần 200 đại biểu Việt Nam là các nữ khoa học, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, các Bộ/ngành trên toàn quốc.

vov_0_lajz.jpg

Hiện nay, mạng lưới các nhà khoa học nữ Khu vực Châu Á Thái Bình Dương (INWES-APNN) gồm 13 thành viên  thuộc 13 nước và vùng lãnh thổ là Australia, Bangladesh,  Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Pakistan,  Sri Lanka, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.

Ngày 18/10/2018, Hội nghị sẽ nghe đại diện các thành viên APNN báo cáo tình hình hoạt động của tổ chức trong năm qua, đưa ra những kiến nghị nhằm tăng cường hợp tác giữa các thành viên APNN trong thời gian tới.

Với chủ đề “Nữ khoa học vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số”, các đại biểu quốc tế và Việt Nam sẽ có cơ hội để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các kiến nghị đối với các vấn đề nóng của từng nước, từng khu vực cũng như toàn thế giới.

Trong sáng ngày 19/10, sẽ có 3 hội thảo chuyên đề được tổ chức với các chủ đề: Giới và Bình đẳng Giới trong Khoa học và Công nghệ; Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm; Quản trị Rủi ro Thiên tai và Thích ứng với Biến đổi Khí hậu. 

 Hội thảo chuyên đề "Giới và bình đẳng giới trong khoa học và công nghệ trọng bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0" do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chủ trì. Hội thảo có sự trình bày của các chuyên gia từ Ấn Độ, New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc) và các nhà nghiên cứu Việt Nam.

Hội thảo chuyên đề "Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm" do GS.TS Lê Thị Hợp - Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia- Trưởng ban Khoa học Công nghệ của Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì. Theo GS Lê Thị Hợp, một trong những mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững là giảm suy dinh dưỡng thấp còi, giảm cân nặng sơ sinh thấp, do đó cần làm tốt công tác dinh dưỡng và an toàn thực phẩm...

Hội thảo chuyên đề "Quản trị rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu" đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến từng gia đình, từng con người, các nước, các khu vực. Chủ đề này có phát biểu của các đại biểu quốc tế đến từ Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal và các tham luận rất ý nghĩa của các đại biểu Việt Nam nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu...

Đại diện Hội Nữ trí thức Việt Nam cho hay, để đăng cai INWES-APNN 2018, Việt Nam đã phải có những nỗ lực, chứng minh tại Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2017.

Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học nữ Việt Nam và các nữ khoa học đến từ các nước trong khu vực gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về những vấn đề mà các nước quan tâm như bình đẳng giới trong khoa học công nghệ, an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.../.

Lễ khai mạc Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Khu vực Châu Á Thái Bình Dương (INWES-APNN) sẽ diễn ra vào lúc 8h30 ngày 18/10; 3 hội thảo chuyên đề sẽ diễn ra vào lúc 8h30 ngày 19/10 tại Trung tâm phụ nữ và phát triển - 20 Thụy Khuê (Ba Đình, Hà Nội).

 

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (INWES-APNN 2018) là cơ hội để các nhà khoa học nữ Việt Nam và các nữ khoa học đến từ các nước trong khu vực gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về những vấn đề mà các nước quan tâm như bình đẳng giới trong khoa học công nghệ,  an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.../.