Công tác tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân và Nghị định 64/2014 của Chính phủ quy định về tiếp công dân đã chính thức chuyển động. Sự chuyển động ấy được đánh dấu bằng việc Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng Tổng Thanh tra Chính phủ dành trọn 1 ngày với người dân tại Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương (Hà Nội).

Một ngày lắng nghe dân nói; một ngày đối thoại thẳng thắn với dân; một ngày để có những ý kiến khách quan, những nhận xét xác đáng, những yêu cầu kịp thời. Một ngày, dù không nhiều với cả người dân và người có trách nhiệm nhưng nó cho thấy, “quan” và “dân” đã gần nhau; “tiếng dân” đã được lắng nghe, đã được tôn trọng. Cũng chỉ một ngày, nhưng dường như niềm tin trong dân đã được “xốc” lại.

tiep_cong_dan_kiyo.jpgMột buổi tiếp công dân của cán bộ Sở Nội vụ Quảng Nam (ảnh: Sở Nội vụ Quảng Nam)

Nhiều năm qua, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân trong quản lý Nhà nước, trong đời sống xã hội được Đảng và Nhà nước ta cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân. Người dân có quyền khiếu nại-tố cáo khi bị oan sai, khi những quyết định hành chính làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Họ cũng có quyền phản biện chính sách, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, phản ánh những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống và đóng góp ý kiến trong xây dựng, thực hiện chủ trương, chính sách.

Nhưng thực tế, người dân rất khó tiếp cận những “quyền” này. Dù vẫn được nói, vẫn được trình bày, nhưng họ không đủ niềm tin, không đủ kiên nhẫn để chờ đợi, để hy vọng nó thấu đến người, cơ quan có thẩm quyền; chưa nói tới nó được giải quyết, xử lý thỏa đáng!?

Đáng buồn, căn cơ của thực trạng ấy lại từ những người làm công tác tiếp công dân. Cán bộ tiếp dân, theo đúng yêu cầu, đúng quy định là phải có trách nhiệm với công việc được giao, có năng lực hiểu biết pháp luật; đặt mình vào vị trí của người dân để chia sẻ, trân trọng, lắng nghe. Nhưng lâu nay, cán bộ tiếp dân chưa hội đủ những yếu tố ấy. Thậm chí còn hách dịch, quan cách, thờ ơ, nghe người dân trình bày một cách chiếu lệ, nhận đơn thư của dân cho đúng thủ tục rồi để đấy. Thái độ vô cảm cộng với sự quan liêu của lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong việc tiếp công dân, làm cho khoảng cách giữa cơ quan công quyền, giữa cán bộ với dân ngày một xa, ngày một tách rời. Nó lý giải nguyên nhân vì sao mỗi năm có hàng nghìn vụ việc, hàng nghìn lượt người dân đến trụ sở tiếp công dân khiếu nại-tố cáo; vì sao hàng trăm vụ việc phức tạp, kéo dài từ năm này sang năm khác; vì sao những ẩn ức trong nhân dân tích tụ, dẫn đến những bất ổn trong xã hội.

Theo Luật Tiếp công dân có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, mỗi tháng, Tổng Thanh tra Chính phủ và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dành 1 ngày trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở Trung ương. Luật cũng quy định trách nhiệm tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; của Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Cuộc đối thoại thẳng thắn, minh bạch giữa Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ với 6 đoàn và cá nhân có khiếu nại tố cáo tại Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương (Hà Nội) ngày 22/7 vừa qua, là sự khởi động đầu tiên, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước đưa công tác tiếp công dân vào đúng quỹ đạo, đúng mục đích. Hành động thực chất này đã giúp người có trách nhiệm trực tiếp lắng nghe tiếng nói của người dân, hiểu rõ ngọn nguồn các vụ việc tồn tại, bức xúc, kéo dài. Người dân có cơ hội hiểu hơn chính sách pháp luật, thẩm quyền trách nhiệm của chính quyền để hai bên cùng lắng nghe nhau, giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật, hợp đạo lý những vướng mắc, kiến nghị.

Khi công bố thành lập Ban Tiếp công dân Trung ương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Ban không chỉ giữ vai trò "văn thư cao cấp", tức chỉ "nhận và kính chuyển" đơn của công dân đi các cấp, cơ quan chuyên môn giải quyết.Bằng sự tham gia có trách nhiệm của những người đứng đầu, của các cơ quan chức năng, cuộc đối thoại đầu tiên sau khi Luật Tiếp công dân và Nghị định 64 của Chính phủ có hiệu lực đã cho thấy, nơi tiếp công dân giờ đây không phải là hộp thư”; người tiếp công dân không phải là “người đưa thư”. Dẫu chỉ một ngày, dẫu người dân vẫn có thể đặt câu hỏi “liệu có đánh trống bỏ dùi”, nhưng nhiều vấn đề, nhiều nút thắt giữa chính quyền với người dân dần được gợi mở, tháo gỡ, đã mang lại niềm hy vọng bước đầu cho họ.

Rõ ràng là, khi các bên lắng nghe nhau, khi việc tiếp công dân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật chắc hẳn không còn đơn thư khiếu nại-tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài; các vụ việc bức xúc trong nhân dân cũng sẽ được giảm bớt. Khi ấy, công tác tiếp công dân mới thể hiện đúng vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Khi ấy, niềm tin của người dân mới được củng cố, mối quan hệ giữa Dân với Đảng, Đảng với Dân mới ngày càng bền chặt./.