Đập thủy điện Ia Krêl 2, tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ bị vỡ rạng sáng 12/6 là công trình thứ 2 trong vòng nửa năm, và là thứ 3 trong 2 năm ở Tây Nguyên xảy ra sự cố nghiêm trọng.  Sau các sự cố này, người dân sống ở hạ lưu bị ám ảnh về một thảm họa còn dư luận thì đặt dấu hỏi lớn vào trách nhiệm của các bên trong phê duyệt-triển khai-giám sát xây dựng các công trình này.

Lỗ hổng trách nhiệm

Một số người dân ở xã Ia Dom thường xuyên đi qua đập dâng của thủy điện Ia Krêl cho biết, đã thấy các vết rò rỉ của cống dẫn dòng và nhiều vết nứt trên mặt đập kể từ khi công trình này chặn dòng tích nước. Sự rò rỉ ngày càng lớn hơn khi trong vùng bắt đầu có mưa.  “Khi nước lên nhiều rò rỉ theo đường cống, ở lỗ mọi phía dưới rồi làm sạt lở đất. Cái cống này có vấn đề ngay từ đầu.” - Một người dân ở làng Mok Đen, xã Ia Dom cho biết.

Với mắt thường của người dân cũng dễ dàng nhận thấy những rò rỉ bất ổn của cống dẫn dòng đập dâng thủy điện Ia Krêl. Tuy nhiên, về phía nhà đầu tư, ông Bạch Đức Quang – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long – Gia Lai lại cho rằng, đã cố gắng làm hết trách nhiệm, nhưng không tránh khỏi sơ suất đáng tiếc. “Đây là sự cố không lường trước được vì chúng tôi làm quá nhiều hạng mục trong dự án này…” – ông Quang nói.

Còn ông Lục Văn Chín, phụ trách thi công đập dâng thủy điện Ia Krêl cũng cho rằng, đã làm hết trách nhiệm, nhưng không thấy các dấu hiệu báo trước sự cố như người dân phản ánh.  

 

anh-3_copy.jpg
Công an và các ngành chức đã vào cuộc khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân.

  

Để rõ hơn những thông tin liên quan đến sự cố vỡ thủy điện Ia Krêl 2 và trách nhiệm của các bên, chúng tôi đã liên hệ với ngành chức năng tỉnh Gia Lai cung cấp thông tin về đơn vị thiết kế, thi công, giám sát công trình. Tuy nhiên, rất tiếc là không có ngành nào, kể cả lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Gia Lai cũng không thể cung cấp được. Thậm chí, ông Bạch Đức Quang, Tổng giám đốc công ty Bảo Long-Gia Lai- doanh nghiệp chủ đầu tư, cũng nói rằng không nắm rõ (?!)

Và lỗ hổng pháp lý

Chỉ 2 năm mà khu vực Tây Nguyên xảy ra 3 sự cố nghiêm trọng tại các công trình thủy điện nhỏ, gây thiệt hại về người, tài sản và hoa màu. Giữa tháng 6 năm 2011 là Thủy điện Đạm Bôl, tỉnh Lâm Đồng. Tháng 11 năm 2012 là thủy điện Đak Mek ở tỉnh Kon Tum. Và bây giờ là Thủy điện Ia Krêl 2. Nếu không xảy ra sự cố vỡ đập thì không ai biết rằng, các con đập và đường ống thủy điện ấy được thi công tuỳ tiện như thế nào. Như ở thủy điện Đạm Bôl, chủ đầu tư tự ý thay cống dẫn dòng bê-tông bằng ống nhựa. Ống này lại nối trực tiếp với ống áp lực mà không được giãn cách bằng bể hở điều áp, nên vỡ ống, khiến 1 người chết. 

Ở Thuỷ điện Đak Met thuộc tỉnh Kon Tum, người ta thấy lớp áo bê tông ở hai mái đập chỉ được được đan 1 lớp thép mỏng. Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực này nói rằng, nó cần có  2 lớp thép. Lõi đập đổ bằng đất khô và đá rời rạc, trong khi yêu cầu là phải đổ bùn nhão. Kết quả là chưa tích nước, đập này cũng không chịu nổi sức nặng tự thân và đổ vỡ tan tành, cũng cướp đi sinh mạng một công nhân.

Còn ở thủy điện Ia Krêl 2, ông Nguyễn Quyền, giám đốc Công ty Tư vấn-Thiết kế-Đầu tư thủy điện Mê Kông, tỉnh Đắc Lắc, sau khi xem các ảnh đăng trên các báo, thì nhận xét ngay rằng, việc xây đập thủy điện này sai về cơ bản. Ông Quyền phân tích: “Tuyệt vời là đập đất này được đắp trên nền đá chắc chắn. Nhưng vì không có tường bê tông găm sâu vào nền đá-làm lõi chống thấm cho đập, nên bị nước rò bề mặt, làm hổng chân đập, nên vỡ là tất yếu. Cống dẫn dòng của công trình là một ống thẳng, nằm nổi trên mặt đá cũng lại sai về cơ bản. Lẽ ra nó phải có móng găm vào nền đá và có nhiều đai chống thấm đúc liền với cống này. Với kiểu xây dựng như thế này, xảy ra tình trạng vỡ đập trôi đập là điều tất yếu”.  

 

Một số cống dẫn dòng đập thủy điện Ia Krêl 2 bị rò rỉ ngay từ khi tích nước.

  

Vỡ đập vì thi công ẩu hoặc thiết kế sai là dễ hiểu, nhưng để cái ẩu, cái sai ấy mặc nhiên diễn ra, biến các hồ thủy điện thành nguy cơ xảy ra thảm họa lại là điều khó hiểu. Ông Nguyễn Quyền cho biết : “Thủy điện nhỏ 13 MW trở xuống thì cơ quan chức năng chỉ phê duyệt thiết kế tổng thể. Còn thiết kế kỹ thuật chi tiết-bước quan trọng sống còn của dự án thủy điện thì do chủ đầu tư….tự phê duyệt1”. Điều này có nghĩa là chất lượng, độ an toàn của thủy điện nhỏ phụ thuộc vào chủ đầu tư. Chủ đầu tư giỏi thì công trình tốt. Chủ đầu tư mù mờ thì chất lượng đập sẽ …hên xui, và vì thế, tính mạng của người dân phái hạ lưu cũng tùy thuộc vào sự may mắn. Như chính Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thừa nhận trong vụ vỡ đập Ia Krêl 2 tại Gia Lai : “Đây là ăn may chứ nếu không đã trở thành thảm họa rồi!”.

Phát biểu trước báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội kỳ này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: “Thủy điện nhỏ dưới 30 MW, trách nhiệm quản lý thuộc chính quyền địa phương”...  “Biện pháp mạnh mẽ hay chế tài thì hiện có cả rồi”. Nhưng đối chiếu vào các sự cố thủy điện đã xảy ra, chế tài xử lý đều không thực sự khắc phục được vấn đề, bởi nếu sự cố biến thành thảm họa thì việc quy trách nhiệm đã trở thành quá muộn.

Còn từ thực tế tư vấn-thiết kế- giám sát xây dựng thủy điện ở Tây Nguyên, ông Nguyễn Quyền, Giám đốc Công ty Mê Kông, tỉnh Đắc Lắc nhận xét: “Theo quy định, đơn vị giám sát sẽ có trách nhiệm ngăn chặn việc thi công không đúng thiết kế. Nhưng vì họ cũng chỉ là người làm thuê, nhiều khi phải chiều theo ý chủ đầu tư. Một số đơn vị lại ở xa, không giám sát thường xuyên được, nên khi nghiệm thu thì sai sót đã xảy ra, nhưng cũng tặc lưỡi ký cho xong”.

Điều rất đáng lo là việc tự ý thay đổi thiết kế thủy điện vẫn đang tiếp tục xảy ra tại nhiều công trình ở Tây Nguyên mà rõ nhất là công trình Thủy điện Đak Psi 5, tỉnh Kon Tum đã được các cơ quan chức năng làm rõ. Chủ đầu tư đã tự ý thay đổi từ đập tràn có 3 cửa van, thành đập tràn tự do; tự ý nâng cao trình ngưỡng tràn từ 597 mét thành 605 mét, nhưng khi địa phương phát hiện ra thì tất cả đã trở thành “sự đã rồi”. Nếu không có ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn giữa cơ quan có thẩm quyền tại địa phương với việc giám sát thi công thủy điện thì hệ lụy của nó chưa ai lường được. Và như vậy, việc xây dựng thủy điện nhỏ và vừa ở khu vực Tây Nguyên vẫn còn đó; lửng lơ một quả bom nước khổng lồ trút thảm họa xuống người dân./.