Mới đây, Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa thông tin, tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa có tới 500 cán bộ cấp xã, thôn với nhiều khoản phí mà người dân phải đóng góp để “nuôi” các cán bộ. Tuy rằng cho đến nay thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng và Bộ Nội vụ mới có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhưng đó cũng là điều đáng để chúng ta phải suy nghĩ về một thực trạng chung hiện nay,

Thông tin trên báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, với lực lượng đông đảo – gần 500 cán bộ xã, thôn, nhưng Quảng Vinh vẫn là một trong những xã nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Cũng chính vì cán bộ đông, nhiều cán bộ không thuộc diện ngân sách Nhà nước chi trả nên người dân phải đóng các khoản phí để “nuôi” 500 cán bộ này. Đó quả là điều phi lý!

day-to.jpg
Người dân "è cổ" đóng các khoản phí để “nuôi” cán bộ dư thừa (ảnh NNVN)
Nó phi lý là bởi, số lượng cán bộ thôn, xã không đúng với quy định hiện hành. Luật cán bộ, công chức năm 2011 và Nghị định 92 năm 2009 của Chính phủ đã quy định rất rõ, chi tiết số lượng cán bộ cơ sở theo đặc điểm, tình hình của mỗi xã, kể cả cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách. Theo đó thì số lượng cán bộ mỗi xã không quá 50 người. Nếu là thông tin chính xác, xã Quảng Vinh có 500 người thì đã gấp 10 lần con số được pháp luật quy định.

Nó phi lý là bởi, theo bài báo, mỗi năm xã Quảng Vinh thu ngân sách chỉ chừng 400 triệu đồng. Nhưng vì bộ máy cán bộ khổng lồ, không đủ khả năng chi trả nên phải huy động người dân đóng góp. Mặc dù thu nhập của những người nông dân “Một nắng hai sương, chân lấm tay bùn” ấy còn khó có thể nuôi sống chính họ và gia đình họ.

Nó phi lý là bởi, đông cán bộ, người dân đóng góp “nuôi” cán bộ nhưng nhiều cán bộ lại “ngồi chơi xơi nước”, thậm chí là rủ nhau đi uống rượu, vì họ có muốn cũng không có việc để làm.

Những chuyện phi lý ấy không chỉ ở xã Quảng Vinh mà còn ở nhiều địa phương khác. Hiện cả nước có hơn 900.000 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn với khoảng 130.000 thôn. Đó là theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, thực chất số lượng cán bộ phát sinh từ nhu cầu thực tế, từ sự thỏa thuận giữa nhân dân với chính quyền hoặc từ những lý do khác thì chắc rằng khó thống kê hết được.

Theo Nghị định 92 của Chính phủ, chỉ có cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách được Nhà nước trả lương, còn cán bộ phát sinh UBND xã phải tự trả phụ cấp. Trung bình hiện nay mỗi xã đang phải chi trả từ 120 đến 170 định suất ngoài ngân sách bằng nguồn đóng góp của dân. Đây là một bất cập trong việc thực hiện chính sách. Bởi, không ai dám chắc đội ngũ cán bộ phát sinh và các khoản đóng góp đều xuất phát từ yêu cầu, từ sự tự nguyện của người dân. Vô hình trung người dân lại phải thêm gánh nặng trong khi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Không những thế, nó còn là điều kiện để đội ngũ cán bộ thoái hóa, biến chất thu lợi công sức của người dân một cách hợp pháp.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của cán bộ cơ sở. Cán bộ cơ sở là người hiểu dân nhất, nắm chắc và thi hành sâu sát nhất mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Có thể nói, đường lối của Đảng được tổ chức thực hiện thành công hay không đều phụ thuộc vào cán bộ. Nhưng, nếu vẫn còn những câu chuyện phi lý về đội ngũ cán bộ thôn, xã như đã đề cập thì khó có thể nói cán bộ đã thực hiện đầy đủ chức trách của minh.

Chính bởi vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra cho chúng ta hiện nay là bên cạnh quy chuẩn đội ngũ cán bộ, lựa chọn cán bộ thực sự có năng lực, có phẩm chất đạo đức thì tinh giản, bố trí bộ máy cán bộ phù hợp cũng phải được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Nội vụ cần có những nghiên cứu, quy định đối tượng cán bộ cơ sở hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Như hiện nay, số lượng cán bộ phát sinh do địa phương tự quyết định sẽ dẫn tới sự tùy tiện, vô nguyên tắc mà Nhà nước không quản lý, kiểm soát hết được. Bên cạnh đó là nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan về chế độ chính sách đối với cán bộ nói chung và cán bộ không chuyên trách nói riêng để không còn chuyện phi lý gây bức xúc trong nhân dân./.