Sau vụ tai nạn xe khách tại Lào Cai khiến 12 người thiệt mạng, rồi vụ sập trần treo của nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP.HCM), cả xã hội ta lại đón nhận những thông tin chỉ đạo ráo riết từ cơ quan chức năng liên quan nhằm thể hiện một sự vào cuộc... nhanh chóng để giải quyết sự cố. Song, những hành động này đang góp sức tô đậm thêm bức tranh quản lý kiểu “vuốt đuôi” gây họa bấy lâu nay ở nước ta.

“Đổi” 12 mạng người để phát hiện ra... một số bất cập?

Vụ tai nạn giao thông ở Lào Cai xảy ra vào chiều tối ngày 1/9, tại Km19 thuộc xã Tòng Sanh, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, khiến 12 người thiệt mạng, 41 người nhập viện điều trị. Ngay sau vụ tai nạn này, bên cạnh thông tin khẩn trương cấp cứu người bị nạn tại hiện trường, người ta thấy giới truyền thông rầm rộ đưa tin “tư lệnh” ngành giao thông vận tải có mặt tại hiện trường và bám đu dây xuống tận nơi vực sâu để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ. Hành động này đã gửi tới công chúng một thông điệp có sức lan tỏa mạnh về tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, và cho thấy khả năng phản ứng nhanh và sát thực tế của nhà quản lý.

xe_khach_2_ekqh_vmrp.jpgHiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Dân trí)

Ngay sau đó, nhiều thông tin thể hiện có sự vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách được công bố, như: Xe khách gặp nạn đã không chấp hành đúng quy định cho phép, không có lệnh xuất bến... Hơn nữa, có cả thông điệp quản lý từ vị tư lệnh ngành giao thông phát đi rằng, sẽ đưa vào thông tư quy định xe giường nằm không được hoạt động trên đường miền núi quanh co; rằng, phải sửa đổi các quy định đối với xe gường nằm như: nhà sản xuất phải trang bị dây an toàn trên xe, hành khách phải thắt dây an toàn; rằng, phải rà soát toàn bộ hộ lan trên quốc lộ 4D đoạn Lào Cai lên Sa Pa, vì qua quan sát hiện trường vụ tai nạn thấy hộ lan khá yếu và thấp, cần thử tải hộ lan nơi đèo dốc nguy hiểm....

Những thông tin này không chỉ kích thích tò mò của công chúng mà còn gây ra những hiệu ứng đa chiều từ dư luận, và nó lan tỏa tác động đến nhiều đối tượng liên quan khác, trong đó có đương sự trực tiếp liên quan vụ việc là “nhà xe”, rồi các nhà quản lý khác liên quan hoạt động vận tải hành khách.

Một câu hỏi cần được đặt ra là, nếu không có chiếc xe bị lao vực khiến 12 người thiệt mạng và 41 người bị thương, thử hỏi toàn dân có biết được những bất cập vừa nêu?... Nếu quả thực, vì nhờ có 12 mạng người bị cướp đi do một tai nạn người ta mới nhìn thấy những bất cập vừa nêu, thì sự đánh đổi này quá đắt. Trong trường hợp này và các trường hợp tương tự, cứ phải chờ có sự trả giá đắt bằng cả nhiều tính mạng của người vô tội mới ló ra được một số ý tưởng mang tính quyết định quản lý thì tính mạng người dân vô tội trở nên quá rẻ mạt trong cung cách quản lý lâu nay?

Còn quản lý kiểu.... “vuốt đuôi”, còn nhiều tai họa

Bên cạnh vụ tai nạn xe khách vừa qua, hàng loạt sự cố gây nhiều thiệt hại đã từng xảy ra như: sự cố liên quan đến thủy điện; sự cố cháy nổ cây xăng, cháy quán bar; sự cố trong khám chữa bệnh tại bệnh viện....  Hay gần đây nhất là vụ sập trần treo của nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP.HCM) hôm 2/9. Vụ sập trần treo này xảy ra khi đang diễn ra giải cầu lông quốc tế Việt Nam và vào đúng thời điểm các vận động viên đang thi đấu. Sự cố này tuy không gây thiệt hại về người nhưng đây là sự cố nghiêm trọng.

Nhà thi đấu Phan Đình Phùng bị sập một mảng trần (Ảnh: Hà Khánh)
Sau đó, tư lệnh ngày xây dựng cũng phát đi thông điệp quản lý rằng, khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân sự cố sập trần treo của nhà thi đấu; rằng, mở rộng kiểm tra, rà soát chất lượng kết cấu mái, trần treo của các công trình công cộng tập trung đông người khác trên địa bàn...

Nhìn vào những vụ tai nạn, sự cố đáng tiếc cho thấy, tất cả dù xảy ra đã lâu hay mới đây đều có điểm chung là nó giống một cái vết đen trong mặt bằng công tác quản lý khá phổ biến ở nước ta lâu nay. Vết đen này được vẽ bằng cách quản lý kiểu vuốt đuôi sau sự cố. Cách quản lý này vừa gây “nhờn luật” vừa vô hiệu lực trong việc phòng ngừa sự cố và thiệt hại sau sự cố.

Bởi lẽ, vẫn biết rằng, tai nạn là thứ không ai mong muốn, và ai cũng biết có thể phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn và thiệt hại do nó gây ra. Nhưng tiếc rằng, đây không phải lần đầu tiên người ta nhìn thấy thiệt hại, nghe thấy đã có sự sai phạm nào đó trước khi gây ra những thiệt hại đó. Rồi người ta lại thấy những thông điệp phát ra từ nhà quản lý kiểu như siết chặt kỷ luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra; rồi quy định quản lý nào đó còn bất cập, cần phải điều chỉnh, bổ sung...

Giá như những nhà quản lý, các cơ quan chức năng chủ động hơn trong việc phát hiện ra những bất cập, thường xuyên hành động quyết liệt, nghiêm minh trong thực tế ở cương vị quản lý của mình đối với ngành, lĩnh vực của mình thì hẳn là những thiệt hại không đáng có đã được kịp thời ngăn chặn.

Bằng không, nếu cứ sau mỗi sự cố nghiêm trọng lại rầm rộ chấn chỉnh, e rằng, nguyên nhân chính gây ra những tai nạn, những thiệt hại về người và của không phải ở sự bất cập trong vận hành, quy định đâu đó, mà trước hết xuất phát từ chính cách quản lý kiểu vuốt đuôi đang diễn ra./.