Như VOV.VN đã liên tục cập nhật thông tin, rạng sáng 7/5, trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc giữa một chiếc xe khách và xe tải.

Số người tử vong tới thời điểm này là 13 người và vẫn còn 1 người trong tình trạng nguy kịch; 32 người người khác đang được điều trị tại Bệnh viện. Nguyên nhân của vụ tai nạn nhanh chóng được được xác định là do lỗi của tài xế xe tải. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn tới hành vi sai trái của tài xế thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

gl5_vov_pwqh_cqmk.jpg
Vụ tai nạn thảm khốc tại Gia Lai khiến 13 người tử vong.
Theo kết luận của cơ quan điều tra công an tỉnh Gia Lai, tài xế Võ Văn Quý, sinh năm 1990, trú tại Phù Cát, Bình Định đã điều khiển xe với tốc độ 105km/h, chạy ngược chiều trong đoạn đường 1 chiều có dải phân cách cứng và hạn chế tốc độ, tông trực diện vào xe khách, gây ra vụ tai nạn thảm khốc. Nhiều người đã nghi ngờ rằng, tài xế xe tải dùng ma túy đá, phê thuốc nên mới chạy xe như vậy. Vấn đề này, cơ quan chức năng đang tiến hành các bước để xác minh, làm rõ.

Thượng tá Trương Đức Dương, Phó trưởng phòng PC45, Công an tỉnh Gia Lai, cho biết, cơ quan điều tra đã phối hợp với bệnh viện để tiến hành lấy mẫu máu.

“Lái xe có biểu hiện dùng thuốc phiện, dùng hàng đá nhưng theo kết quả xét nghiệm phát hiện âm tính. Chiều 8/5, phòng PC45 tiếp tục phối hợp với PC54 tiếp tục lấy mẫu máu lần nữa để kiểm tra cho khách quan. Việc đối lái xe có tiền sử nghiện ma túy hay không đang được cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, làm rõ”, Thượng tá Trương Đức Dương cho biết.

Một giả thuyết khác cũng được đặt ra là do xe mất phanh. Tuy nhiên, theo các lái xe có kinh nghiệm, với quãng đường hơn 30km, vừa lên dốc, xuống dốc, nếu mất phanh thì xe đã phải gặp nạn trước đó, hoặc có mất phanh thì với quãng đường này đủ để tài xế có thời gian xử lý. Hơn nữa, không có lý do gì để xe mất phanh lại đi vào đường một chiều, có dải phân cách cứng để gây tai nạn.

Cho đến lúc này, vẫn chưa ai biết được vì sao tài xế trẻ tuổi này lại có hành vi như vậy. Chỉ có thể chắc chắn rằng, trong lúc điều khiển xe, tài xế này đã có vấn đề, bị tác động về tâm lý, thần kinh. Vụ tai nạn không chỉ cướp đi mạng sống của những người vô tội, nó cũng gây ra cho chính bản thân và gia đình tài xế này sự đau đớn.

Hiện tại, lái xe Quý hiện vẫn đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu. Bác sĩ Phạm Bá Mỹ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, cho biết: “Chúng tôi sẽ hết sức cứu chữa nhưng tiên lượng rất xấu. Hiện tại, bệnh nhân huyết áp đã tụt, có tình trạng hôn mê sâu”.

Nhìn lại thời gian qua, trên địa bàn Tây Nguyên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc mà nguyên nhân là lỗi của tài xế, khi họ phóng nhanh, vượt ẩu. Những người cầm vô lăng nhưng lại không coi trọng mạng sống của người đi đường và của chính mình.

Ở đây, trước hết phải nói tới trách nhiệm, đạo đức của người lái xe. Đồng thời, theo ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ Giao thông Vận tải cần phải xem xét lại công tác sát hạch lái xe đối với việc kinh doanh vận tải.

“Trong thời gian gần đây mật độ tai nạn liên quan tới xe khách, xe tải rất cao trong phạm vi cả nước. Đề nghị Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ giao thông vận tải cũng nên tính toán, xem xét công tác sát hạch các lái xe. Lái xe có bằng lái nhưng có nghiện ngập hay không, sức khỏe có đảm bảo hay không?”, ông Thành đặt vấn đề.

Điều đáng bàn ở đây nữa là trách nhiệm của chủ xe và cơ quan quản lý. Theo Nghị định 86 năm 2014 của Chính phủ, các doanh nghiệp vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe đồng thời bố trí, cắt cử nhân viên theo dõi hoạt động của tài xế 24/24 giờ để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn vi phạm.

Tuy nhiên, trong vụ tai nạn thảm khốc vừa xảy ra cũng như nhiều vụ tai nạn giao thông trước đó, phía doanh nghiệp, chủ xe đã không có sự can thiệp nào khi để tài xế chạy nhanh trong một khoảng thời gian dài trước khi gây tai nạn. Như vậy, sự thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp cũng là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới những tai nạn thương tâm./.