Công an trát văn bản đề nghị tòa giải quyết. Tòa thì bảo thẩm quyền phân xử thuộc công an. Chúng ta đang nói tới diễn biến mới nhất câu chuyện nhặt được 5 triệu yên Nhật của “chị ve chai” Huỳnh Thị Ánh Hồng - người phụ nữ không thể nói khác là “trung thực”.

chi_ve_chai_evnl.jpg
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng được luật sư hỗ trợ pháp lý miễn phí trong việc đòi lại số tiền vô chủ nhặt được. Ảnh: An Nhơn/VnExpress
Hơn 1 năm trước, khi “nhặt được” 5 triệu yên trong một thùng loa ve chai, chị Hồng đã mang tới nộp cho cơ quan công an và có thể viết thẳng ra đây mục đích: Là để trả lại cho người mất - vì bất cứ lý do nào đó.

Nhưng đã qua 365 ngày, thay vì trả lại cho người phụ nữ trung thực theo quy định của pháp luật khi không xác định được người mất, cơ quan công an với lý do có sự xuất hiện của nhân tố mới, chị N - người tự nhận chồng mình (một người đàn ông nước ngoài) là chủ nhân của số tiền - đã gửi công văn đề nghị tòa án phân xử. Còn tòa án, trả lời mới nhất của Chánh án quận Tân Bình cho biết, quan điểm của tòa là “thẩm quyền phân xử thuộc công an”.

Bao giờ thì chị N có thể chứng minh, hoặc không thể chứng minh được ông chồng là chủ sở hữu của 5 triệu yên? Không ai biết!

Ai? Và bao giờ thì số tiền được phân định sẽ thuộc về ai? Không ai hay!

Và thứ công lý mà dư luận, mà người dân mong muốn “5 triệu yen trả lại cho người nhặt được”, có lẽ là sẽ còn lâu lâu nữa.

Trong một nhà nước “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, đáng lẽ vào đúng ngày thứ 366 kể từ khi nộp lại tiền, người phụ nữ trung thực phải trở thành “tỉ phú ve chai” khi danh chính ngôn thuận nhận lại tiền. Chứ không thể xảy ra cảnh đá bóng từ công an sang tòa án và ngược lại khi có ai đó tự nhận và chẳng có gì chứng minh mình là chủ sở hữu của tài sản bị mất.

Một năm, thời gian đủ dài để nhìn thấy một thứ đã mất đi. Đó là niềm tin công lý khi người trung thực đang phải chịu thiệt thòi vì những nhùng nhằng không đáng có.

Một vụ việc, đã có bao nhiêu lỗ hổng pháp luật đã được vạch vòi. Từ chuyện thủ tục phân xử, giao vật (số tiền) chưa được quy định trong bất cứ văn bản tố tụng nào. Cho đến loại văn bản (quyết định hành chính, thông báo, công văn) cũng đang ở diện… chưa có quy định.

“Vụ việc như thế này là chưa từng có tiền lệ mà các cơ quan thi hành pháp luật đã xử lý” - Chánh án quận Tân Bình nói.

Nhưng đó dứt khoát không phải là lỗi của chị ve chai.

Còn tiền lệ ư? Không có tiền lệ không phải là một thứ lý do. Cái mà dư luận muốn thấy là vụ việc 5 triệu yen sẽ không trở thành một tiền lệ về sự thiệt thòi của lòng trung thực./.