Sợ hãi, ám ảnh, thương cảm, xót xa… là tâm trạng chung của mỗi người khi đọc các dòng tin liên quan đến các vụ tai nạn giao thông như: xe Camry đâm chết 3 người, vụ tai nạn xảy ra ở ngã tư Lê Duẩn – Giải Phóng (Hà Nội) và nhiều vụ tai nạn giao thông khác liên tiếp xảy ra những ngày qua. Ai biết ra đường điều gì đang chờ mình? Đó thực sự là nỗi ám ảnh của những người đang ngày đêm cày cuốc, kiếm sống, nuôi gia đình.
Hiện trường vụ tai nạn |
Cuộc sống dần khấm khá, cũng vì thế mà chiếc ô tô không còn là tài sản quá xa xỉ trong một gia đình. Điều này cũng có nghĩa, ô tô chạy trên đường ngày một gia tăng và đây cũng là niềm kinh hãi với nhiều người tham gia giao thông. Bởi, các vụ tai nạn giao thông liên hoàn, nghiêm trọng xảy ra với tần suất ngày càng dày, càng nghiêm trọng. Lý do thì có nhiều nhưng phần lớn tùy thuộc vào kỹ năng, đạo đức của người ngồi sau tay lái.
Người ta bảo đó là những chiếc xe điên. Nhưng không, cái xe là vật vô tri, vô giác. Chỉ có những kẻ điên ngồi sau vô lăng khiến cho những chiếc xe ấy thành chiếc xe gây hoạ.
Lẽ ra, chất lượng đường sá ngày càng nâng lên, phương tiện ngày càng hiện đại thì phải mang lại an toàn hơn cho con người, nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Xe cộ gia tăng thì nguy hiểm với tính mạng con người cũng tỷ lệ thuận. Nguyên nhân do đâu? Vì chính sự coi thường pháp luật, tính mạng con người nên mới dẫn đến những cái chết đau lòng, oan uổng.
Họ, những người lái xe, có khi chỉ vì một phút bốc đồng, một giây lơ đãng hoặc quá chén sau một bữa tiệc vui… đã cướp đi sinh mạng của những người dân lành vô tội. Nhiều người, sau khi mắc lỗi còn bỏ chạy để thoái thác, giũ bỏ trách nhiệm.
Uống rượu, bia, chất kích thích thì không được lái xe. Nhưng thực tế, các tài xế đã chấp hành nghiêm qui định này chưa? Xin thưa là chưa. Chưa nghiêm kể cả với những người đi xe 2 bánh và 4 bánh. Thế mới có chuyện, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, cùng với việc đón xuân vui vẻ là số vụ tai nạn giao thông tăng vọt.
Trở lại vụ tai nạn đau lòng xảy ra ở Gia Lâm, Hà Nội, chiếc xe Camry cán chết 3 người cách nay 2 ngày, cho thấy, người ngồi sau tay lái đã rất coi thường luật pháp, tính mạng của người khác. Không có bằng lái, uống rượu say… mà dám lái xe băng băng trên đường như vậy.
Lại nói đến chuyện bằng lái xe. Chuyện cấp bằng lái xe, sát hạch tay lái của mình bây giờ cũng lắm chuyện cần bàn. Hệ thống đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của Việt Nam còn thiếu tính thực tiễn. Sau vài buổi thực hành, nếu thấy “tự tin” thì có thể thi ngay, nhiều người “không tự tin lắm thì thuê “xe chíp” đi trong sa hình vài tiếng là có thể thi đỗ, ấy là còn chưa kể các loại "bằng mua", "bằng biếu"...
Thế nhưng, khi ra đường còn nhiều tình huống vô cùng phức tạp, nguy hiểm xảy đến mà không có trường lớp nào dạy cả. Chính vì thế, nhiều người “lấy” được bằng rồi chưa chắc đã dám lái xe.
Tai nạn giao thông thảm khốc chẳng chừa ai!
Một điều dễ thấy nữa là luật pháp của ta chưa nghiêm. Với những hành vi gây tai nạn chết người thì đền bù vài chục triệu, đi tù một vài năm là xong.
Ngoài ra, câu chuyện về văn hóa giao thông hiện nay cũng đang ở mức “báo động đỏ”. Cùng lái xe trên phố nhưng chỉ cần thấy “ngứa mắt” một chút là xảy ra chuyện rượt đuổi. Khi xảy ra tai nạn nhưng tài xế vẫn tăng ga bỏ chạy…
Nếu mọi lái xe đều có kỹ năng tốt, nắm rõ luật giao thông thì những vụ va chạm giao thông, TNGT được giảm đi rất nhiều. Điều này cũng có nghĩa, người dân yên tâm hơn khi ra đường và nỗi đau mang tên “tai nạn giao thông” cũng giảm đi. Còn như bây giờ, mỗi lần ra đường là cả một sự kinh hãi bao trùm, chỉ khi bước chân vào nhà mới chắc mình có ngày mai./.