Bên hành lang kỳ họp Quốc hội đang diễn ra hay nhiều cuộc tiếp xúc báo chí của lãnh đạo các cơ quan chức năng, câu chuyện về làm giả hài cốt liệt sĩ đều nhận được phản ứng chung: “Nghiêm trị”.

cau%20thuy.jpg
Cậu Thủy (nay đã bị bắt) trong một lần tìm mộ (ảnh tuoitre.vn)

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Khi phát hiện trường hợp làm giả hài cốt liệt sỹ như ông Thủy vừa rồi báo chí nêu, Bộ LĐTB và XH đã có công văn đề nghị lực lượng Công an vào cuộc điều tra. Quan điểm của Bộ LĐTB và XH là phải sớm làm rõ và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm trước pháp luật”.

Về thông tin có nhà ngoại cảm làm hài cốt giả để lừa những gia đình có thân nhân là liệt sỹ, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết: Hiện nay, có một số đối tượng lợi dụng là “nhà ngoại cảm” để đi làm giả hài cốt để trục lợi. Đó là những người vi phạm pháp luật. Về mặt tâm linh, chúng ta không thể chấp nhận hành động này. Nhà nước phải có biện pháp xử lý hình sự. Những nhà ngoại cảm đi tìm hài cốt liệt sĩ làm ăn không đứng đắn, trục lợi rất đáng lên án, trái với thuần phong mỹ tục.

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hoàn toàn không có chuyện Bộ phối hợp với nhà ngoại cảm để đi tìm hài cốt liệt sỹ mà dựa trên cơ sở hồ sơ lý lịch, sơ đồ mộ chí, do những cựu chiến binh, các địa phương chỉ dẫn… và kể cả dựa vào tài liệu do phía Mỹ cung cấp; hoặc những người dân có thông tin báo cho Bộ Quốc phòng.

Dân số nước ta tròn 90 triệu người

Vào sáng 1/11, công dân thứ 90 triệu của Việt Nam đã ra đời. Đó là bé Nguyễn Thị Thùy Dung, chào đời lúc 2h45, nặng 3,2 kg. Cháu Dung là con của chị Lê Thị Duyên và anh Nguyễn Văn Dũng (xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).

Công dân thứ 90 triệu của Việt Nam

Dân số Việt Nam tròn 90 triệu người là một sự kiện đặc biệt của đất nước nói chung và công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) nói riêng. Sự kiện này minh chứng cho những thành tựu của công tác DS-KHHGĐ. Song cũng đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Với quy mô dân số này, Việt Nam xếp thứ 14 trong các nước đông dân nhất thế giới, đứng thứ 3 về quy mô dân số ở các nước Đông Nam Á.

Quốc hội bàn về tình hình kinh tế-xã hội

Phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội thu hút sự chú ý của đông đảo cử tri cả nước. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013; vấn đề thu, chi ngân sách, bội chi ngân sách; việc nâng mức bội chi ngân sách nhà nước; dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; cơ cấu phân bổ ngân sách; tính hợp lý trong phân bổ chi đầu tư phát triển; chi cho các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội; nguyên nhân, định hướng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; việc phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016…

Đại biểu Quốc hội đóng góp  nhiều ý kiến tâm huyết cho sự điều hành của Chính phủ.

Các vấn đề về an sinh xã hội, việc điều hành các gói tín dụng, nợ xấu và mua bán nợ, hệ lụy của việc quy hoạch thủy điện tràn lan... tiếp tục là mối quan tâm của nhiều đại biểu.

Đánh giá cao các chính sách giảm nghèo của Chính phủ, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 9,6% vào năm 2012, trong kết quả chung đó có kết quả giảm nghèo ở đồng bào dân tộc miền núi, ở nhóm dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và Tây Nguyên.

Trong buổi thảo luận cuối cùng về phát triển kinh tế-xã hội này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để các “tư lệnh” ngành giải trình thêm những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội còn băn khoăn.

Tăng cường quan hệ Việt Nam-Bulgaria

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bulgaria bắt đầu từ ngày 28/10 nhằm khẳng định sự coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để hai bên cùng trao đổi nhằm thúc đẩy việc khởi động mô hình hợp tác kinh tế mới giữa hai nước, vì lợi ích của cả hai bên.

Trong dịp này, hai bên chú trọng thảo luận việc triển khai mô hình hợp tác kinh tế mới giữa 2 nước, theo đó ưu tiên cho các lĩnh vực thương mại, đầu tư, xây dựng, nông nghiệp, du lịch, năng lượng. Dự kiến, một số thỏa thuận song phương liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, hợp tác nông nghiệp, nghiên cứu khoa học… sẽ được 2 nước ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm.

Kỳ họp của Đại hội đồng ABU diễn ra tại Hà Nội

“Tiến trình số hóa đang là xu hướng tất yếu để các đài phát thanh truyền hình trên thế giới hướng tới nhằm nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, phục vụ nhu cầu của khán giả”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 50 của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Châu Á – Thái Bình Dương (ABU GA 50) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 28-29/10.

Thủ tướng đề cao vai trò của ABU trong việc hỗ trợ phát triển chuyên ngành phát thanh truyền hình và khuyến khích hợp tác giữa các tổ chức thành viên, phục vụ cho hơn 4 tỉ khán thính giả trên toàn thế giới.

“ABU đã trở thành một Hiệp hội chuyên ngành có uy tín, có nhiều đề xuất, khởi xướng và thực hiện được nhiều khuyến nghị, nhiều dự án hợp tác có giá trị thực tiễn cao, giúp nâng cao năng lực hoạt động và tầm ảnh hưởng của các tổ chức phát thanh truyền hình thành viên trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năng động và phát triển” Thủ tướng nhấn mạnh.

Dư luận tiếp tục đánh giá cao lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức, chu đáo, an toàn, để lại ấn tượng tốt trong lòng nhân dân Việt Nam, gia đình Đại tướng và sự cảm phục của bạn bè quốc tế xa gần. Đó là nhận định được đưa ra tại cuộc họp chiều 28/10 tại Hà Nội của Ban tổ chức Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban tổ chức lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trang trọng, chu đáo, an toàn, được dư luận cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong nước, kiều bào ở nước ngoài cũng như báo chí trong và ngoài nước ca ngợi. Quá trình tổ chức lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban lễ tang Nhà nước.

Trong suốt quá trình tổ chức viếng tại nhà riêng của Đại tướng cũng như trong Lễ Quốc tang, Ban tổ chức đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cũng như phối hợp chặt chẽ với gia đình tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức trong nước, bạn bè quốc tế và đặc biệt là đông đảo cựu chiến binh, quần chúng nhân dân được viếng và bày tỏ lòng thương tiếc, kính trọng đối với Đại tướng. 

Đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự chỉ đạo của Bộ chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, đặc biệt là Ban tổ chức Lễ Quốc tang và rất nhiều cơ quan đã tham gia phối hợp bằng cả trách nhiệm và tình cảm để Lễ tang Đại tướng diễn ra chu đáo, an toàn, nhất là sự tham gia của các lực lượng quân đội, công an và thanh niên tình nguyện.

Bộ Quốc phòng cũng kiến nghị Đảng, Nhà nước có hình thức khen thưởng tập thể khoa A11, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 vì có thành tích trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như bảo vệ thi hài của Đại tướng./.