Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Trong tuần qua, nhiều nội dung quan trọng đã được thảo luận trong các phiên họp Quốc hội. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến là dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

 

tran%20dinh%20nha.jpg
Một phiên thảo luận tại Hội trường (ảnh: vietnamnet)

Các đại biểu đều nhấn mạnh việc xây dựng Nghị quyết này là cần thiết. Ngoài ra, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng góp phần đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ; bổ sung căn cứ để thực hiện công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc.

Cũng trong tuần, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng, cơ cấu lại các khoản thu, chi, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Cũng theo Nghị quyết, mức tiền lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu từ ngày 01/7/2013.

Nhiều nội dung quan trọng trong chương trình làm việc của Quốc hội tuần qua là thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013; Dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi)…

Thủ tướng Nga Medvedevthăm chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitri Medvedev thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6-7/11/2012.

Tại các cuộc tiếp Thủ tướng Medvedev của lãnh đạo đạo Đảng, Nhà nước, hai bên nhất trí cần tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị với độ tin cậy cao thông qua trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, đa dạng hóa các kênh hợp tác theo đường Đảng, Quốc hội, các tổ chức xã hội cũng như giữa các địa phương.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón chào Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực an ninh – quốc phòng, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, ngân hàng, hợp tác địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Dmitri Medvedev bày tỏ hài lòng về sự phối hợp, ủng hộ lẫn nhau giữa Việt Nam và Liên bang Nga tại LHQ cũng như tại các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế. Thủ tướng Dmitri Medvedev bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục là cầu nối để Nga tăng cường quan hệ với ASEAN và các nước Đông Nam Á.

Hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình và một số văn bản hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, thương mại.

Cũng trong tuần, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tiếp Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran Mahmoud Ahmadinejad; bà Helle Thorning-Schmidt, Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch thăm chính thức Việt Nam.

Bộ Chính trị thông báo kết quả phê bình và tự phê bình

Một vấn đề được người dân quan tâm trong tuần qua là Hội nghị thông báo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với các đồng chí nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.

 

Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu tại Hội nghị thông báo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI)

 Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nêu rõ: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng, được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt quan tâm, đồng tình, ủng hộ.

Nghị quyết đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng, đề ra các nhóm giải pháp cụ thể, đồng bộ, thiết thực đối với công tác xây dựng Đảng, trong đó, nhóm giải pháp tự phê bình, phê bình có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt.

Với tình cảm và tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, bằng kinh nghiệm thực tiễn dày dạn, phong phú, các đồng chí nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm tự phê bình và phê bình.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư trân trọng, nghiêm túc tập hợp, tổng hợp, tiếp thu những ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước để phân tích làm rõ trong quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nhằm phát huy ưu điểm, nhận rõ những hạn chế, khuyết điểm, đề ra biện pháp khắc phục, sửa chữa.

Nhiều hoạt động kỷ niệm "Điện Biên Phủ trên không"

Những ngày qua, công chúng Hà Nội được sống lại thời khắc Hà Nội- những năm tháng chiến tranh 1972, đặc biệt là 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên khôngnhờ một chuỗi những sự kiện, triển lãm, tọa đàm đã diễn ra.

 

“Rồng lửa” SAM trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (Ảnh tư liệu TTXVN)

Cuộc tọa đàm "Năm 1972- năm mấu chốt tháo gỡ cuộc xung đột giữa Việt Nam và Hoa Kỳ" đã những phân tích và nghiên cứu lịch sử về những dấu mốc năm 1972;  triển lãm "Hà Nội, những ngày đêm năm 1972" tái hiện những khoảnh khắc đáng nhớ nhất qua các thước phim, các bức ảnh tư liệu; tọa đàm "Năm 1972 – Tư liệu và ký ức của người Hà Nội về chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ" đã được các nhân chứng lịch sử chia sẻ hồi ức về 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.  

Trước đó, tại Thái Nguyên, lễ phát động đợt thi đua cao điểm "Âm vang Điện Biên Phủ trên không" chào mừng kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên phủ trên không đã được Lữ đoàn phòng không 210 - Quân khu I tổ chức.

Phạt nặng các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông

Bắt đầu từ ngày 10/11, Nghị định 71sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 chính thức có hiệu lực. 

Theo Nghị định 71 sửa đổi, các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông sẽ tăng mức phạt cao từ 1,5- 2,5 lần so với hiện tại.

 

Theo đó, những thay đổi trong nội dung Nghị định 71 có một số mức tăng nặng xử phạt là: ô tô chuyển nhượng không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt từ 6 - 10 triệu đồng/xe, riêng mô tô, xe máy xử phạt 1,2 triệu đồng/xe; đối với hành vi đua xe máy, xe ô tô trái phép, cổ vũ đua xe trái phép sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đến 30 triệu đồng; uống rượu bia khi tham gia giao thông bị xử phạt lên đến 15 triệu đồng….

Đa số người sử dụng xe máy băn khoăn lo lắng về quy định xử phạt chủ phương tiện đi xe không sang tên đổi chủ khi chuyển nhượng.

Cục cảnh sát giao thông Đường bộ Đường sắt hướng dẫn: Trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu và phải chịu mức xử phạt theo quy định. Đối với trường hợp đi xe mang tên những người thân trong gia đình, người sử dụng phương tiện phải chứng minh được giữa mình và chủ phương tiện có mối quan hệ.

Vi phạm an toàn thực phẩm có thể bị phạt tới 100 triệu đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa lý ban hành Nghị định 91/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Ở thôn Bình Lương, xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên, mỡ bẩn sau khi chế biến được đựng trong những thùng hóa chất bẩn thỉu này (ảnh: VNE)

Theo Nghị định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung, như tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy; tịch thu tang vật, phương tiện để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm...

Theo Nghị định này, hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 9-12 tháng trong trường hợp tái phạm.

Phạt tiền bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm, nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt từ 30 - 50 triệu đồng, thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt không quá 100 triệu đồng.

Hà Nội chính thức đăng caiAsiad 18

Tại phiên họp toàn thể Hội đồng Olympic châu Á (OCA) diễn ra tại Macao (Trung Quốc), Chủ tịch OCA Sheikh Ahmad Fahad Al-Sabah đã công bố kết quả cuộc đua giành quyền đăng cai Asiad 18. Có tất cả 45 lá phiếu được phát cho 45 quốc gia thành viên của OCA và Hà Nội đã vượt qua Surabaya của Indonesia để trở thành địa điểm đăng cai Asiad 2019.

 

Hà Nội đã từng tổ chức rất thành công Asian Indoor Games vào năm 2009.

Đây là lần đầu tiên sau 14 năm, một quốc gia tại khu vực Đông Nam Á được vinh dự tổ chức ngày hội thể thao lớn nhất châu lục. Gần đây nhất, Asiad 1998 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.

Trước đó, nước ta đã tổ chức thành công SEA Games 22, Đại hội thể thao châu Á trong nhà 2009. Tới đây, Việt Nam tiếp tục đăng cai Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 trước khi tổ chức Asiad năm 2019.

Chuẩn bị cho Asiad 18, Chính phủ sẽ phải đầu tư hoàn thiện khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình; hoàn thiện Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội từ 5ha lên 20ha; xây dựng làng VĐV tại Thượng Thanh, quận Long Biên trên diện tích 39,5ha với sức chứa 11.000 VĐV (làng VĐV sẽ được bán sau khi đại hội kết thúc); xây mới khu liên hợp thể thao Xuân Trạch (Hà Nội) với năm nhà thi đấu: bóng chày (3.000 chỗ ngồi), khúc côn cầu (3.000 chỗ ngồi), quần vợt (3.000-5.000 chỗ ngồi), bóng bầu dục (2.000 chỗ ngồi)...

 Dự kiến Asiad 2019 có sự tham dự của 45 quốc gia với 12.000 VĐV, 1.000 quan khách quốc tế, 1.000 trọng tài, 8.000 hướng dẫn viên, 2.000-3.000 phóng viên./.