Có một sự trùng hợp thú vị, Singapore là nước đầu tiên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức sau khi được Quốc hội bầu và với Tổng thống Tony Tan, Chủ tịch nước ta là vị “Quốc khách” đầu tiên mà ngài được đón tiếp sau khi nhậm chức ngày 1/9/2011.
Hai vị nguyên thủ gặp nhau trong hoạt động đối ngoại đầu tiên trên trọng trách mới là minh chứng cho tình hữu nghị và quan hệ đối tác vững chắc giữa hai nước vốn có quan hệ rất gần gũi, thân tình.
Singapore từ lâu được nhiều người Việt Nam biết tới về những điều được coi là thần kỳ trong xây dựng đất nước.
Từ một “làng chài” nghèo khó đầu thế kỷ 20, diện tích tương đương đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), tài nguyên thiên nhiên được ghi trong tài liệu giới thiệu về quốc gia này chỉ có thủy sản và cảng nước sâu, Singapore đã vươn lên nhóm “Rồng”, nhóm “Hổ”, một nước công nghiệp với thu nhập bình quân đầu người năm 2010 khoảng 38.000 USD.
Hơn 2 ngày ở thăm Singapore tươi đẹp, dễ cảm nhận được tình cảm gắn bó giữa nhân dân hai nước, nhất là các nhà lãnh đạo. Đây là điều thuận lợi và thêm chất keo thắt chặt tình hữu nghị và sự tin cậy giữa đôi bên.
Trong bữa tiệc chiêu đãi ấm cúng tại Dinh Tổng thống Istana, Tổng thống Tony Tan bày tỏ ấn tượng sâu sắc về đổi mới và sự phát triển của Việt Nam kể từ lần ông sang thăm đầu tiên tháng 11/1996 trên cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam |
Đáp lại, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kể về những điều thu nhận được qua sang học kinh nghiệm quản lý hành chính công của Singapore tháng 3/1998 trong chương trình “Giao lưu Lý Quang Diệu”.
Gặp Chủ tịch nước ta, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, kiến trúc sư trưởng của “điều thần kỳ” Singapore (năm nay 88 tuổi) không giữ khuôn mẫu ngoại giao mà mặc bộ đồ giản dị. Ông luôn coi mình là người bạn của Việt Nam, chân thành tham vấn với Chủ tịch nước ta những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và khu vực, trong đó có cả vấn đề Biển Đông.
Các cuộc hội đàm, gặp gỡ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với lãnh đạo Singapore đều đi đến nhận thức chung rằng hai nước đã thiết lập được quan hệ chính trị tin cậy, đã đến lúc cần thúc đẩy để nâng quan hệ lên một mức cao hơn.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: “Giữa Việt Nam và Singapore, độ tin cậy về chính trị ngày càng tốt đẹp. Trên cơ sở đó tạo ra mối quan hệ toàn diện về chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh trên tinh thần hai bên cùng có lợi. Có nhiều lĩnh vực Singapore sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam. Với vị trí, vai trò của Singapore cộng với quan hệ rất tốt đẹp với Việt Nam thì hai bên thống nhất sẽ nâng cấp tầm quan hệ lên để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại”.
Doanh nghiệp Singapore nhận thấy triển vọng lớn trong đầu tư tại Việt Nam. Thông điệp này được lãnh đạo của một loạt tập đoàn kinh tế hùng mạnh hàng đầu của Singapore và cả châu Á thuộc các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, bất động sản, cơ khí, xây dựng khu công nghiệp, phát triển đô thị… chuyển tới Chủ tịch nước ta khi gặp gỡ và tại diễn đàn doanh nghiệp.
Bộ trưởng Công thương Singapore Lim Hng Kieng đưa ra con số thống kê đáng phấn khởi: Trong 8 tháng của năm 2011, có 58 dự án đầu tư mới của Singapore vào Việt Nam với tổng vốn 1,33 tỷ USD, đưa quốc gia này thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam.
Sau thành công của bốn Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore tại Bình Dương, Bắc Ninh và Hải Phòng, trong chuyến thăm lần này, thêm một dấu ấn trong hợp tác kinh tế giữa hai nước là hai bên đã ký bản ghi nhớ về triển khai nghiên cứu khả thi Khu phức hợp đô thị, công nghiệp và dịch vụ rộng hơn 1.000ha tại tỉnh Quảng Ngãi.
Bộ trưởng Lim Hng Kieng khẳng định các doanh nghiệp Singapore nhìn thấy Việt Nam có tiềm năng lớn không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn và mong muốn đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore, chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đạt nhiều kết quả mà nổi bật là củng cố sự tin cậy, mở ra triển vọng hợp tác kinh tế mới giữa hai nước.
Trong những ngày ở thăm, Straits Times - một trong những tờ báo uy tín có đông bạn đọc ở Singapore đăng nổi bật trên trang nhất tin, ảnh về hoạt động của Chủ tịch nước ta cùng những thỏa thuận hợp tác kinh tế đạt được. Tờ báo này khẳng định chuyến thăm “đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Singapore”.
Đại sứ Việt Nam tại Singapore Trần Hải Hậu nhận định, với thành công của chuyến thăm chắc chắn sắp tới sẽ có làn sóng đầu tư mới của Singapore vào Việt Nam.
Ở Singapore có một nơi thu hút hàng vạn lượt khách tới tham quan mỗi năm là Bảo tàng Văn minh châu Á. Tại đây, phần trưng bày về Việt Nam khá nổi bật với phiên bản trống đồng Đông Sơn, tranh Đông Hồ…
Với tình cảm mến yêu Việt Nam và tôn vinh một trong những nhân vật vĩ đại nước ngoài từng đặt chân tới Singapore, nhân kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore đã đặt tấm bia tưởng niệm Người trong khuôn viên bảo tàng.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần tới Singapore. Lần đầu tháng 5/1930, lần thứ hai tháng 1/1933. Và trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nữa là tại Bảo tàng Văn minh châu Á tổ chức khánh thành bức tượng bán thân Bác Hồ.
Ông Chủ tịch Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore đã phát biểu tại lễ khánh thành rằng, bức tượng Bác Hồ cũng là niềm tự hào của nhân dân Singapore.
Dấu ấn của lịch sử cùng tình cảm hữu nghị, sự tin cậy mà hai nước vun đắp đạt được đang là hành trang nâng bước đưa quan hệ Việt Nam - Singapore bước vào kỷ nguyên mới./.
CÁC TIN LIÊN QUAN: |