Dư luận lại xôn xao với chuyện chọn Đại sứ du lịch. Một cuộc đua với nhiều rắc rối khiến cơ quan chức năng phải lúng túng, mà báo chí cũng tốn không ít giấy mực. Liệu có đáng phải mất nhiều thời gian cho việc lựa chọn danh hiệu này đến thế không? trong khi còn có quá nhiều việc cần làm để hình ảnh du lịch Việt Nam đẹp hơn, thân thiện hơn trong mắt bạn bè.

Đại sứ du lịch Việt Nam là danh hiệu mang tính danh dự được Nhà nước trao cho một cá nhân để thực hiện việc quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch nước nhà thông qua các phương tiện truyền thông, nghệ thuật, nhiếp ảnh và các loại hình hoạt động khác hướng đến công chúng. Vì vậy, Đại sứ du lịch phải đạt những tiêu chuẩn nhất định như: có trình độ chuyên môn cao, có thành tựu nổi bật trong hoạt động nghề nghiệp và xã hội, có khả năng vận động tài chính từ những nguồn lực xã hội, trình độ ngoại ngữ... và nhất là phải đẹp, phải nổi tiếng.

Việc chọn Đại sứ du lịch nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trong bối cảnh ngân sách dành cho công tác này còn quá ít ỏi so với các nước trong khu vực, chỉ khoảng 60 tỷ đồng/năm. Một Đại sứ du lịch tài năng, nhiệt tình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam rộng rãi hơn với bạn bè quốc tế.

ly-nha-ky.jpg
Lý Nhã Kỳ nhận bằng khen vì những đóng góp cho hoạt động bình chọn Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới (ảnh: Việt Hòa/VOV online)

Một danh hiệu quan trọng như vậy, dĩ nhiên sự lựa chọn cũng phải kỳ công. Tuy nhiên, theo dõi chuyện bên lề của cuộc đua làm Đại sứ du lịch, dư luận có cảm giác như đây là chiến dịch PR không mất tiền mà các người đẹp không ai muốn bỏ lỡ cơ hội. Hôm nay thì diễn viên này đánh tiếng “muốn trở thành đại sứ”, ngày hôm sau lại có người mẫu khác “hé lộ ý định muốn cống hiến cho ngành du lịch nước nhà”; người đẹp này xin rút tên chưa xong thì người đẹp khác đã nộp đơn ứng cử....

Với những rắc rối, thi phi như vậy, dư luận tỏ ra có lý khi không ngần ngại đặt câu hỏi: Có nhất thiết phải mất nhiều công sức để lựa chọn Đại sứ du lịch hay không? trong khi để vực dậy ngành du lịch, chúng ta còn quá nhiều việc phải làm.

Liệu một đại sứ du lịch có đủ sức làm cho hình ảnh du lịch Việt Nam tỏa sáng trong mắt bạn bè quốc tế khi mà hằng ngày, hằng giờ cảnh chèo kéo du khách, rác thải ngập tràn các điểm du lịch, môi trường cảnh quan bị tàn phá, người làm dịch vụ thì quen thói “mài dao quanh năm, chém một mùa”, tự ý nâng giá cao ngất ngưỡng để moi tiền du khách. Một khi mỗi người dân còn chưa ý thức được mình là một vị đại sứ du lịch của đất nước, còn làm du lịch theo kiểu phản cảm như thế, thì du lịch Việt Nam chưa thể cất cánh, khó có thể khiến du khách muốn quay trở lại.

Sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam không nằm ở vẻ đẹp hình thể của các cô đại sứ du lịch mà ở vẻ đẹp của thuần khiết của thiên nhiên, ở giá trị của các di sản văn hóa, ở thái độ lịch thiệp, lòng mến khách; là sự an toàn, thân thiện trên từng nẻo đường khám phá mà du khách cảm nhận sau mỗi chuyến đi.

Chúng ta đang cần một chiến lược phát triển du lịch bài bản, mà trước hết, phải từ nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp du lịch và của mỗi người dân. Sản phẩm du lịch phải được xây dựng từ bề dày lịch sử, từ chiều sâu văn hóa của dân tộc chứ không chỉ là với những tấm pano in hình người đẹp cười duyên bên thắng cảnh nọ, di sản kia.

Một khi quan niệm về Di sản Văn hóa thế giới mới chỉ dừng lại ở giá trị của tờ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm chứng khi đi xin dự án; khi một Di sản phi vật thể của nhân loại như Quan họ Bắc Ninh còn bị lợi dụng để người ta ngửa nón xin tiền; gian hàng trưng bày du lịch Việt Nam tại một Hội chợ du lịch quốc tế còn quảng bá không công di tích của nước ngoài, thì xin những người có trách nhiệm hãy dành thời gian, công sức, trí tuệ để làm những việc thiết thực hơn./.