Hôm nay (26/6), là ngày Toàn dân Phòng chống ma túy. Tác hại của ma túy đối với con người thì ai cũng hiểu rõ, thế nhưng vì sự đua đòi, vì muốn giải quyết những vấn đề về thần kinh, tâm lý, nhiều người đã dại dột thử, và nghiện, còn hàng nghìn kẻ khác vì lợi nhuận khổng lồ đã kinh doanh, buôn bán ma túy làm hại bao người, bao gia đình. Những điều đau lòng do ma túy gây ra không thể kể hết.
Có lẽ ít ở quốc gia nào mà thông tin về các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây chết người lại xuất hiện hàng ngày trên báo chí như ở Việt Nam. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mỗi ngày bình quân có khoảng 80 người thương vong do tai nạn giao thông, trong đó có 30 người không bao giờ được trở về nhà.
Một con số khác cũng khiến người nghe phải lo lắng: trong năm 2014, Sở Giao thông - Vận tải các địa phương đã phối hợp các trung tâm y tế kiểm tra sức khỏe của khoảng 136.000 tài xế và phát hiện hơn 526 trường hợp dương tính với chất ma túy. Trong số đó, đa phần là lái xe đường dài.
Hiện trường vụ xe khách lao xuống cầu Serepok khiến 34 người chết và 21 bị thương (Ảnh: Vnexpress) |
Còn hơn 3 năm trước, sau vụ tai nạn xe khách thảm khốc xảy ra tại cầu Serepok, Đắk Lắk cướp đi 34 sinh mạng, làm bị thương 21 người, cơ quan chức năng phát hiện tài xế Phạm Ngọc Lâm (quê Nha Trang, Khánh Hòa, chết trong vụ tai nạn) từng có tiền án 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Do đó có thể đặt câu hỏi: phải chăng lái xe này sử dụng chất ma túy khi đang điều khiển phương tiện dẫn tới vụ tai nạn thảm khốc?
Thực tế việc tài xế sử dụng ma túy không phải chỉ có ở Việt Nam, nhưng rõ ràng ở Việt Nam, hậu quả để lại vô cùng lớn. Chưa có con số thống kê công khai cụ thể, nhưng không thể tránh khỏi trong số những vụ tai nạn giao thông thảm khốc đã xảy ra trong thời gian qua có những vụ do tài xế sử dụng ma túy gây nên. Điều đáng nói là hầu hết các địa phương đều không có đủ thiết bị để xác định tài xế có sử dụng ma túy hay không, nên rất khó xử lý, mặc dù trong Luật đã có quy định về vấn đề này.
Làm thế nào để giảm tình trạng tài xế sử dụng ma túy khi tham gia giao thông là một câu hỏi khó, bởi lẽ trên thực tế công tác phòng chống ma túy ở nước ta dù đã có rất nhiều chuyển biến và nỗ lực nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, tình trạng tái phạm buôn bán ma túy còn lớn. Hiệu quả công tác cai nghiện tại cộng đồng cũng như cai nghiện tập trung còn thấp, còn nhiều vướng mắc do thủ tục rườm rà.
Trong khi đó, các chủ xe thực chất vẫn đang tạo áp lực cho tài xế bằng những yêu cầu rất gắt gao về doanh số, số lượt, hành trình… khiến các tài xế đường dài nếu muốn đảm bảo được thu nhập, việc làm, không bị phạt thường phải lái xe với cường độ cao, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Do đó, trước mắt, để giảm tình trạng tài xế sử dụng ma túy, các cơ quan chức năng cần kiểm tra các điểm dừng nghỉ của tài xế đường dài để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi buôn bán ma túy và chất gây nghiện đối với tài xế đường dài. Những tài xế bị phát hiện sử dụng ma túy phải bị xử lý nghiêm, tước bằng lái. Các chủ xe phải thay đổi lịch trình, hành trình để tránh tạo sức ép quá lớn cho người cầm lái.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là nỗ lực từ chính những người cầm lái, nếu như họ nhớ rằng đằng sau tay lái của mình là hàng chục con người, trước mặt họ là hàng trăm người khác và người thân đang đợi ở nhà, thì hãy tránh xa ma túy và sẽ luôn lái xe bằng cả trái tim./.