Hàng loạt các vụ tai nạn giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy nghiêm trọng liên tục xảy ra trong thời gian gần đây khiến nhiều người chết và bị thương, đồng nghĩa với việc mỗi ngày có hàng trăm nghìn gia đình phải chịu nỗi đau khủng khiếp từ tai nạn giao thông. Vấn đề đặt ra là mặc dù các cơ quan chức năng đã đề ra nhiều quyết sách để giảm thiểu tai nạn nhưng chúng ta rất khó giải quyết được tình trạng đáng buồn này.
Nguyên nhân khiến Việt Nam bị xếp là một trong những quốc gia có nhiều tai nạn giao thông trên thế giới thứ nhất là ở các phương pháp quản lý và bộ máy quản lý. Mặc dù hàng năm Nhà nước ta bỏ ra không ít vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông; ở các thành phố lớn, những năm gần đây, các tuyến vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt, hầm vượt được đầu tư xây dựng với tốc độ nhanh, tình hình ùn tắc ít nhiều được giải quyết nhưng không triệt để, nhất là vào giờ cao điểm hay trong những ngày mưa. Ùn tắc gây ra va chạm. Ùn tắc gây ra sự lạng lách, đi lên hè đường và đi trái luồng, trái tuyến và tiềm ẩn tai nạn giao thông là tất yếu… Không cơ quan nào nắm chắc tình hình đường sá của địa phương mình bằng cơ quan quản lý phường và thành phố. Nhưng phường sẵn sàng bỏ lơ những quán ăn, quán nhậu để xe khách hàng chiếm dụng hè phố và cả mặt đường. Thực tế đó đã tạo ra những sự chồng chéo giữa việc muốn hạn chế tai nạn giao thông với cái lợi trước mắt.
Nguyên nhân thứ hai tạo ra tiềm ẩn về tai nạn giao thông phải kể đến những lực lượng thi hành luật có tiêu cực. Vì sự tiêu cực này nên người không có bằng lái xe, không đội mũ bảo hiểm vẫn có thể được lực lượng làm nhiệm vụ cho đi qua. Xe quá tải, siêu trường siêu trọng đi trái tuyến, lấn luồng vẫn đi lại thoải mái. Bên cạnh các trung tâm thi hành tốt các quy chế cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm xe thì có quá nhiều trung tâm “sáng tạo” khi tạo ra những hình thức thi hộ, gà bài, bỏ qua mọi tiêu chuẩn về sức khỏe của người cần cấp giấy phép lái, bỏ qua những hỏng hóc của chiếc xe khi đi khám đăng kiểm, biến những trung tâm này thành những nơi kiếm lợi cho những người môi giới, cho cán bộ quản lý. Trong khi đó, những chiếc xe được khám qua này thì hiểm họa khôn lường. Nguyên nhân khác nữa là ý thức người tham gia giao thông.
Nhiều vụ tai nạn do người tham gia giao thông sử dụng rượu bia. Kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, trên 18.000 nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông tại Việt Nam có tới 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép; 66,8% số lái xe ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, 15% số tử vong do tai nạn giao thong có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia.
Rõ ràng, tai nạn giao thông khó có thể giảm, khi mà những nguyên nhân nêu trên vẫn tồn tại như một thách thức với những cố gắng giảm thiểu tai nạn giao thông của cả hệ thống chính trị và của cả cộng đồng. Trách nhiệm về vấn đề tai nạn giao thông ở đây không chỉ là của chủ doanh nghiệp, của lái xe mà cả của cơ quan quản lý Nhà nước. Chỉ khi phân rõ trách nhiệm, chúng ta mới thấy được đâu là trách nhiệm của Bộ, ngành Trung ương, đâu là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, người đứng đầu các cơ quan. Tai nạn giao thông nghiêm trọng là “căn bệnh trầm kha” khó chữa. Việc xử lý không chỉ ở cái “ngọn” của vấn đề mà cần tìm rõ căn nguyên của vấn đề liên quan đến tất cả các khâu, các lĩnh vực trực tiếp hoặc gián tiếp làm phát sinh ra tai nạn. Để từ đó chúng ta đưa ra phương thuốc hữu hiệu có thể kiềm chế tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay./.