Hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông 17/11, Lễ tưởng niệm và cầu siêu cho các nạn nhân tai nạn giao thông đã được tổ chức sáng 9/11 tại TP HCM, với sự tham gia của đại diện nhiều Bộ, ngành Trung ương cùng đông đảo người dân địa phương. Với chủ đề “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”, buổi lễ không chỉ là sự chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình các nạn nhân mà còn gửi đi một thông điệp nhắc nhở mọi người hãy trân trọng cuộc sống, chung tay vì mục tiêu giảm tai nạn giao thông, bảo vệ an toàn cho mình và mọi người.

Những năm qua, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã tăng cường công tác chỉ đạo, các Bộ ngành hữu quan, chính quyền các địa phương cũng đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông nhằm bảo vệ an toàn, sức khỏe cho người dân. Nhờ đó mà số vụ tai nạn giao thông đã dần được kìm chế; số người chết, người bị thương đã giảm dần qua từng năm. Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn luôn là nỗi ám ảnh của người dân khi tham gia giao thông, là nỗi lo thường nhật của toàn xã hội.

tuong_nho_paoz.jpg Lễ tưởng niệm và cầu siêu cho các nạn nhân tai nạn giao thông đã được tổ chức sáng 9/11 tại TP HCM

Thống kê cho thấy trong 10 tháng qua, cả nước xảy ra hơn 20.800 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.475 người, 19.937 người bị thương. Tuy có giảm 4,3% số vụ tai nạn và giảm 18% số nạn nhân so với cùng kỳ năm 2013, nhưng cứ mỗi ngày qua đi, trên cả nước, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của 25 người và làm gần 70 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời.

Giữa thời bình mà mỗi ngày có hàng chục gia đình người dân Việt Nam phải gánh chịu những nỗi đau tột cùng do thứ tai họa bất ngờ mang tên tai nạn giao thông mang lại là điều không thể chấp nhận được. Sinh mạng con người là vốn quý. Vì vậy, đây là nỗi mất mát không lấy gì bù đắp được. Di chứng thương đau của tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của mỗi người thân, bạn bè, người bị nạn, khiến xã hội cũng bị tổn thương nghiêm trọng. Hàng năm, gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục hậu quả của tai nạn giao thông. Điều đó đe dọa nghiêm trọng đến cơ hội phát triển của hàng chục ngàn gia đình, đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế và làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè quốc tế.

Đến lúc mỗi người Việt Nam cần phải nhận thức sâu sắc về tác hại khôn lường của tai họa này đến toàn bộ tiến trình vươn lên của dân tộc, đến sự phát triển lành mạnh của giống nòi. Đã đến lúc cần phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, là trong nỗi đau tai nạn giao thông, có lỗi và trách nhiệm của từng cá nhân, cộng đồng và các cơ quan của Nhà nước.

Bằng nhiều hành động mạnh mẽ, thông qua các chính sách quốc gia và những cam kết xã hội, chúng ta đang làm mọi cách để giảm số vụ tai nạn giao thông, giảm số người chết và bị thương. Nhưng chúng ta vẫn có thể và cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm tải tai nạn giao thông. Nhà nước, các tổ chức xã hội, các đoàn thể và từng cá nhân đều phải chung tay hành động và hành động một cách quyết liệt. Mỗi người hãy tự giác chấp hành Luật Giao thông, biết nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi ra đường. Mỗi gia đình, nhà trường  cần phải giáo dục con em của chúng ta từ khi còn bé về ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông. Trước hết là để bảo vệ an toàn cho bản thân mình.

Hoạt động tưởng niệm các nạn nhân giao thông là dịp để chúng ta tưởng nhớ và bày tỏ niềm thương cảm với những người xấu số, cùng chia sẻ nỗi đau và sự mất mát với người thân của họ. Hãy vì niềm thương cảm đối với người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống mà cùng nhau nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về tầm quan trọng của việc chủ động tạo ra một môi trường giao thông an toàn; để nhà nhà, người người bình yên, an toàn, hạnh phúc khi tham gia giao thông.

Mỗi người Việt Nam, vì sự an toàn của bản thân, vì tương của của thế hệ con cháu mình, vì sự trường tồn của dân tộc, hãy làm tất cả những gì có thể, để giao thông của chúng ta ngày càng văn minh hơn, an toàn hơn./.