Vụ chủ nhà tra tấn dã man người giúp việc ở Kim Mã, Hà Nội trong thời gian vừa qua đang làm dư luận bức xúc, phẫn nộ. Ai cũng phải rùng mình trước đòn tra tấn hiểm ác của bà chủ: ngoài chuyện đấm đá người giúp việc như cơm bữa, bà Minh còn bắt người giúp việc ăn phân của cháu, bắt ăn vài chục quả ớt, uống nước sôi… chỉ để cảnh cáo người giúp việc về tật ăn vụng. Tàn độc hơn là ngày 27/12/1011, bà Minh đã dùng nước nóng dội và người và vùng kín của người giúp việc gây bỏng nặng.

Bác sĩ đang kiểm tra các vết bỏng trên người bà Phương (ảnh: TPO)

Sự độc ác của bà Minh càng đáng lên án khi bà ta đã từng là người đứng trên bục giảng, từng răn dạy học sinh của mình về tình yêu thương giữa con người với con người. Ngay cả người chồng và đứa con trai của bà cũng phải hoảng hồn không nghĩ rằng người vợ, người mẹ của mình lại nghĩ ra những đòn tra tấn dã man đến như vậy.

Để biện minh cho hành động tàn ác của mình, bà Minh đã khai ở cơ quan công an rằng, người giúp việc thường xuyên lấy bánh trên bàn thờ để ăn, có lần còn giả vờ làm vong hồn bố chồng bà chủ nhập vào để ra các yêu sách đòi bà Minh phải “chạy long sòng sọc” mua hết thứ này thứ khác, cúng vái sập sùi đến tận khuya… Dù người giúp việc có lỗi như thế nào, thì hành động của bà Minh cũng không thể chấp nhận được. Nhất là đối với một người già, có tuổi như bà Phương, lại còn đi làm để nuôi mẹ già gần trăm tuổi.

Qua đây cũng phải thực sự nhìn nhận lại một vấn đề tưởng là nhỏ nhưng lại hết sức “nóng” hiện nay là nghề giúp việc.

Đó là việc bảo vệ người giúp việc hiện nay chưa được quan tâm, bởi giúp việc vẫn chưa được coi là một nghề. Phần lớn những người giúp việc đều được các gia đình có nhu cầu tìm theo quen biết giới thiệu, qua trung tâm môi giới. Giữa chủ nhà và người giúp việc cũng chưa có văn bản nào quy định với nhau về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên, chủ yếu vẫn là giao kèo bằng miệng.

Tại nhiều trung tâm môi giới người giúp việc, cũng không quan tâm đến việc đào tạo nghề cho họ, thậm chí có nơi không cần đào tạo để nếu người giúp việc này không làm được, trung tâm sẽ có cớ để đổi người khác. Mỗi lần thay đổi người giúp việc, các trung tâm này đều lại có thêm một khoản tiền gọi là “phí đổi người”.

Một điều quan trọng nữa hầu hết những người đi giúp việc đều chưa hiểu hết được quyền lợi của mình, nên nhiều người bị chủ nhà “bóc lột” sức lao động từ sáng sớm đến khuya mà họ vẫn không biết, cứ vô tư phục dịch theo yêu cầu của chủ nhà. Nhiều người bị chủ nhà hành xử thô bạo, thậm chí bị bạo hành như trường hợp bà Phương, nhưng cũng không biết kêu ai. Chỉ đến khi về nhà, vết thương quá nặng thì người nhà mới phát hiện ra.

Giúp việc cần phải coi là một nghề thực sự và cần được quản lý, giám sát một cách nghiêm túc. Có như vậy mới mong giảm bớt được những sự việc đau lòng xảy ra như trong thời gian vừa qua./.