Sau Hà Giang và Sơn La, Hòa Bình là tỉnh thứ ba có những sai phạm trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Thực tế này đang đi ngược với nhận định trước đó của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi cho rằng đây là kỳ thi "nghiêm túc và nhẹ nhàng". Có thể những "lỗ hổng" trong qui trình tổ chức thi THPT quốc gia sẽ được khắc phục trong một, hai kỳ thi tới, nhưng có lẽ phải rất nhiều năm sau nữa, ngành giáo dục mới gây dựng lại được niềm tin của học sinh và toàn xã hội vào sự công bằng trong việc học, việc thi và những phẩm giá cao quý của người thầy. 

gian_lan_thi_son_la_sthe_pzrp.jpg
Đặng Hữu Thủy (SN 1964, Phó Hiệu trưởng trường PTTH Tô Hiệu, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm nghe cơ quan điều tra đọc lệnh khởi tố. (Ảnh: VOV-Tây Bắc)
“Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý". Sự cao quý ấy là bởi lẽ người thầy được giao giữ một trọng trách đặc biệt: "trồng người". Trong hầu hết chúng ta, đều "tạc dạ, ghi lòng" công ơn trời biển của những người thầy, người cô đáng kính. Có rất nhiều người thầy suốt cuộc đời tận tâm, lặng thầm làm người "chèo đò qua sông". Rất nhiều người thầy không chỉ cung cấp những kiến thức, mà còn thổi bùng ngọn lửa đam mê; khơi nguồn sáng tạo; làm giàu cho hành trang vào đời của các thế hệ học trò bằng rất nhiều bài học làm người quý giá. "Những tấm lòng cao cả" ấy luôn luôn là tấm gương sáng trong, không lớp bụi thời gian nào có thể làm phai mờ.

Thế nhưng, giành được lòng tin rất khó, rất lâu mà hủy diệt thì rất dễ, rất nhanh. Nhiều người đã có cảm giác đau đớn khi nhìn cảnh những người từng là thầy giáo, cô giáo, người từng đứng trên bục giảng dạy cho các em học sinh những bài học "khiêm tốn, thật thà, dũng cảm" từ ngày đầu tiên cắp sách tới trường, giờ lại bị tra tay vào còng số 8. Hình ảnh đó làm cho những người thầy chân chính chua xót, những người tử tế day dứt. Niềm tin bị vỡ vụn. Còn đâu là phẩm giá cao quý của nghề dạy học? Còn đâu là nền móng vững vàng của nhà trường- nơi tôn vinh những giá trị thật? Còn đâu là sự công bằng, nghiêm túc của một kỳ thi quan trọng vào bậc nhất trong 12 năm học phổ thông?

Những năm gần đây, không ít người đã lên tiếng cảnh báo về sự mai một truyền thống "tôn sư, trọng đạo" của người Việt Nam. Những bất thường, gian lận trong việc tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình... là hậu quả của mặt trái cơ chế thị trường tác động đến ngành giáo dục trong những năm qua. Tư duy Mua - Bán không phải là không tồn tại trong trường học. Việc "chạy chức", "chạy quyền", "chạy tội" làm sao có thể nói không ảnh hưởng tới việc "chạy điểm", "chạy bằng"? Việc hình thành những đường dây "chạy điểm" như ở Sơn La có phải là do đồng tiền chi phối, hay còn chịu áp lực của các thế lực khác?

Những người vi phạm trong ngành giáo dục ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình rất đáng lên án, họ sẽ phải trả giá cho những việc họ làm. Nhưng họ cần phải trả giá đắt hơn cho việc đã làm xói mòn lòng tin của người học vào hình ảnh cao quý của người thầy, của nghề giáo. Hành động sửa bài thi cho những học sinh có điểm thấp để trở thành điểm cao, thậm chí như ông Trần Xuân Yến- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã đốt 16 đĩa CD sao chép dữ liệu ảnh bài thi gốc của các thí sinh để phi tang... là những hành động "táng tận lương tâm". Dù các bài thi được sửa lên thành điểm 8, điểm 9, thì kiến thức thật các em có trong đầu vẫn chỉ là điểm 1, điểm 2. Trong khi đó, các em đã mất đi điều lớn lao nhất: nền tảng đạo đức để trở thành những người tử tế trong cuộc đời.  

Những vụ "bê bối" trong việc tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình giống như những lỗ rò trên thân một con đập, giống như những tổ mối trong thân đê. Nếu không nhanh chóng khắc phục, nó sẽ trở thành những vết bục lớn dẫn đến vỡ đập, vỡ đê, gây hậu quả khôn lường. Dư luận mong muốn ngành giáo dục có những hành động thật quyết liệt, làm tới cùng, thậm chí phá đi những con đập đang có nhiều vết bục hay những con đê đã bị mối đục ruỗng.

Người thầy được coi là "bộ máy cái" của ngành giáo dục. Việc lựa chọn, đào tạo để có được những "người thầy" đúng nghĩa phải được hết sức coi trọng. Cần có cơ chế để lựa chọn, khuyến khích những học sinh giỏi theo học ngành sư phạm; những sinh viên sư phạm giỏi nghề, yêu người mới được dạy học; rồi có chế độ đãi ngộ xứng đáng để những người thầy yên tâm với nghề. Việc "sàng lọc" những "con sâu mọt" trong ngành giáo dục cần làm nghiêm túc và công khai, minh bạch. Làm được như thế, sự tử tế, lòng tự trọng, phẩm giá của người thầy mới thực sự được tôn trọng./.