Vụ việc cán bộ phường Văn Miếu làm khó dân khi xin giấy chứng tử thực sự gây phản cảm, khiến dư luận bức xúc. Bởi theo văn hóa truyền thống của người Việt “nghĩa tử là nghĩa tận”. Những việc gì liên quan đến người đã khuất đều được những người trong gia đình, bạn bè và xã hội làm ở mức tốt đẹp nhất có thể. Thế nhưng, ở đây sự việc đã bị các bên đẩy lên quá cao.
Lãnh đạo phường Văn Miếu làm việc với báo chí. |
Phường, xã là đơn vị quản lý Nhà nước sát dân, gần dân nhất. Mọi thủ tục giấy tờ, vấn đề liên quan đến chuyện khai sinh – khai tử, kết hôn, nhà đất… tất cả đều phải “lên phường” hoặc “lên xã”. Thế nhưng, lâu nay, hạt nhân cơ sở này ở nhiều nơi đã gây không ít bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Có vẻ như câu nói từ thời phong kiến “Dân có cần nhưng quan không vội/Dân có vội dân lội dân qua” vẫn đang đúng ở nhiều nơi, nhiều lúc trong hệ thống cơ quan quản lý hành chính cấp cơ sở. Họ dường như vô cảm trước sự vội vã, lo lắng của người dân.
Thủ tục hành chính thì “hành là chính”, cải cách mãi thì ra “một cửa”, nhưng vào “một cửa” rồi lại đến “nhiều bàn”. Người dân bị “hành” nhiều đâm thành quen, họ chán không buồn kêu ca nữa. Trong đầu họ thường trực suy nghĩ, làm gì cũng phải có phong bì. Nhiều người đi làm thủ tục hành chính mà không bị mất tiền lót tay, bôi trơn… lại thấy hụt hẫng.
Hãy khoan nói về chất lượng đội ngũ công chức xã, phường hiện nay, mà bàn tới thái độ của họ đối với người dân, với những việc cần thiết, bức bách của người dân. Chúng ta đang xây dựng một xã hội sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, chính những nhũng nhiễu của cán bộ cơ sở đã khiến người dân lúc nào cũng phải tìm cách “lách luật” và trở thành một luật bất thành văn để giải quyết được vấn đề của mình được đúng hạn.
Không thể liệt kê hết những bức xúc, gian truân của người dân khi bị cán bộ “hành”. Điều quan trọng hiện nay là phải làm gì để tăng cường sự giám sát của người dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở.
Ngoài việc cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức cấp cơ sở, chúng ta nên để dân chấm điểm trực tiếp đối với từng cán bộ, công chức mà họ đến giao dịch, làm việc. Cách đánh giá này đơn giản mà lại là thước đo chuẩn nhất để mỗi cán bộ, công chức phải tự xem xét, điều chỉnh hành vi, thái độ của mình khi tiếp xúc với dân và giải quyết hiệu quả vấn đề dân cần. Khi có thước đo đánh giá minh bạch thì người dân đến giao dịch cũng phải có thái độ chuẩn mực, hợp tác với cán bộ. Cán bộ công chức cũng có quyền từ chối giải quyết với các đối tượng như vậy.
Cán và dân đều cư xử đúng mực, có văn hóa – lúc đó chuyện hành dân hay vòi vĩnh của cán bộ công chức cũng sẽ giảm./.
Hà Nội: Không lấy được vợ vì bị cơ quan công quyền “hành”