Tại cuộc họp thông báo kết quả kiểm điểm tập thể, cá nhân Ban thường vụ Thành ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, ngoài những nội dung kiểm điểm theo hướng dẫn của Trung ương, Hà Nội sẽ khắc phục ngay tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của một số cơ quan, nhất là những cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính và tiếp dân. Với quyết tâm ấy, Hà Nội muốn chứng tỏ rằng, để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thành công, phải bắt đầu từ những việc làm cụ  thể.

Đang là thời điểm các Bộ ngành, Tỉnh ủy, Thành ủy tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân Ban thường vụ theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước quan tâm và hy vọng đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn này sẽ mang lại một luồng sinh khí mới trong Đảng: Dân chủ, thẳng thắn, cầu thị để có đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tâm, có tầm, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo công việc ở địa phương, để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.

Vì vậy, việc một địa phương như Hà Nội, sau 10 ngày tự phê bình và  phê bình, Ban Thường vụ Thành ủy xác định 7 nhiệm vụ trước mắt cần làm, trong đó tập trung khắc phục ngay tình trạng nhũng nhiễu, hạch sách dân của một số cơ quan công quyền, nhất là những cán bộ giải quyết các thủ tục hành chính, tiếp dân… đã tạo nên một cách nhìn thực tế hơn về việc thực hiện Nghị quyết trung ương 4. Đó là gắn quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ đảng viên.

Không đao to búa lớn, mà bắt đầu từ những việc tưởng chừng rất nhỏ nhặt thường ngày, nhưng lại thể hiện được phẩm chất và bản lĩnh của người đảng viên, nhất là đảng viên giữ cương vị chủ chốt ở địa phương.

Vai trò đảng viên ở đâu khi một việc nhỏ như lát vỉa hè kém chất lượng, vừa làm xong đã hỏng nhưng không ai lên tiếng, không ai buộc nhà thầu phải khắc phục. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý ở đâu khi để bãi giữ xe tự phát mọc lên khắp nơi, rồi thanh thiếu niên thiếu sân chơi trong khi công viên bị cắt xén để kinh doanh nhà hàng. Bản lĩnh đảng viên, phẩm chất đạo đức của những người được gọi là công bộc hưởng lương từ tiền thuế của dân ở đâu, khi một bộ phận lại quay ra nhũng nhiễu dân để cho hàng ngàn ngôi nhà trái phép mọc lên; Những cán bộ làm việc ở các lĩnh vực quản lý đất đai, cấp phép xây dựng, rồi thanh tra chuyên ngành, liệu đã làm hết trách nhiệm của mình chưa khi chỉ từ đầu năm đến giờ, Hà Nội phát hiện trên 800 vụ vi phạm phạm trật tự xây dựng? Không thể vin vào lực lượng mỏng, năng lực có hạn để biện bạch cho hành vi bao che, dung túng, đồng lõa với sai phạm của các chủ đầu tư, mà phía sau hành vi ấy, ai cũng biết là những lợi lộc vật chất mang lại. Những tòa nhà xây cao mấy chục tầng nhưng vẫn chưa được cấp phép, những công trình xây vượt giấy phép từ 3- 4 tầng với diện tích sai phạm hàng nghìn mét vuông, giá trị sai phạm được tính bằng tiền tỉ thì không thể nói là cán bộ địa phương không thấy, không biết. Mà chỉ có thể nói rằng, họ đã cố tình đồng lõa để sai phạm tồn tại.

Người dân tin ở cán bộ đảng viên là tin ở khả năng xử lý của họ trước những vấn đề bức xúc mà cuộc sống đòi hỏi. Chưa làm được điều này, hoặc làm cho sự việc méo mó đi, vì bất cứ lý do gì, lòng tin vào  cán bộ, đảng viên trong lòng nhân dân sẽ không còn trọn vẹn.

Thành công của việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình không dừng lại ở chỗ chỉ ra tồn tại khuyết điểm, mà quan trọng hơn là phải xác định được trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân khi để xảy ra những khuyết điểm, tồn tại ấy. Phải có địa chỉ sai phạm rõ ràng thì mới tạo được sự thay đổi thông qua việc luân chuyển cán bộ đến những vị trí công việc phù hợp hơn, thậm chí là phải xử lý kỷ luật nếu sai phạm lớn.

Thành công của những việc lớn, nhiều khi được bắt đầu từ những việc nhỏ. Từ chuyện lát vỉa hè kém chất lượng, xẻ đất công viên làm nhà hàng, đến những chuyện to tát như lũng đoạn ngân hàng, chuyện thua lỗ, tham nhũng ở tập đoàn nọ, tập đoàn kia, nếu không có ai đứng ra nhận trách nhiệm, không được xử lý triệt để thì việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình cũng sẽ chẳng còn ý nghĩa gì./.