Trong 2 ngày qua, các vụ cháy nổ liên tiếp  xảy ra ở khắp các địa phương trong cả nước. Và riêng trong ngày thứ 7 cuối tuần vừa qua, lại thêm 2 vụ cháy nổ lớn ở Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh, gây thiệt hại hơn 70 tỷ đồng. Vì sao cháy nổ liên tiếp xảy ra? Giải pháp nào hạn chế tình trạng này? Con người có phải là một trong những tác nhân gây cháy? Nắng nóng có phải là nguyên nhân? 

vu-chay.jpg
Hiện trường sau một vụ cháy 

Các báo số ra ngày đầu tiên của tuần này đều đưa tin về 2 vụ cháy nổ lớn liên tiếp xảy ra trong cùng một ngày thứ 7 (25/5). Đó là vụ cháy lớn xảy ra lúc 10 giờ sáng, tại Công ty sản xuất xốp Tiến Đạt- thuộc KCN Đại Đồng, xã Hoàn Sơn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh gây thiệt hại ban đầu ước tính là 50 đến 60 tỷ đồng. Vụ cháy lớn thứ 2 xảy lúc 19 giờ tại Tổng kho của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu máy và phụ tùng (Bộ Công thương) nằm trên địa bàn Trâu Quỳ huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Trong vụ thứ 2 này, toàn bộ kho hàng điện tử, điện lạnh rộng khoảng 1.000m2 bị thiêu rụi hoàn toàn, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tất nhiên ở cả 2 vụ, lực lượng phòng cháy chứa cháy đều có mặt kịp thời và cuối cùng thì cũng dập tắt đám cháy, nhưng thiệt hại của cả 2 vụ, ít nhất là trên 70 tỷ đồng- một con số không hề nhỏ. Nguyên nhân của cả 2 vụ đều chưa được xác định, vẫn là đang được công an khám nghiệm hiện trường để tìm ra. Người cho rằng chập điện, người cho rằng có kẻ phóng  hỏa. Nhưng tựu chung, vẫn chỉ dừng lại ở  “nguyên nhân vụ việc đang được điều tra làm rõ”.

Thử lục tìm lại các trang báo trong 2 tuần qua, mới chợt giật mình, bởi cháy nổ liên tiếp xảy ra từ bắc tới nam, từ miền ngược đến miền xuôi, từ đồng bằng đến miền núi, tổng cộng lên tới hơn chục vụ. Nghĩa là, gần như mỗi ngày để xảy ra một vụ. Nơi để xảy ra nhiều vụ cháy nổ nhất là TP HCM. Có lẽ bởi đây là trung tâm kinh tế, nơi diễn ra nhiều hoạt động buôn bán làm ăn nên cũng là nơi dễ lơ là để xảy ra  nhiều vụ cháy nhất. Nhưng chung quy lại, tất cả các vụ cháy nổ này, cũng như 2 vụ cháy nổ xảy ra cuối tuần, chỉ được báo chỉ đưa tin mà chưa xác định được nguyên nhân, để rồi tất cả chìm vào quên lãng, không truy cứu trách nhiệm cho ai và thế là… tất cả lại “hòa cả làng”.

Nhưng dù báo chí chưa đề cập nguyên nhân, thì điều ai cũng thấy là cháy nổ không thể tự nhiên xảy ra, nếu không có sự tác động của con người. Sự khác nhau chỉ ở chỗ, con người tác động bằng cách này hay cách khác mà thôi. Có thể là chập điện, có thể là phóng hỏa, có thể là do tia lửa hàn bắn ra… Tóm lại đều là do sự thiếu ý thức của con người. “Cái sự thiếu ý thức” ấy- nghe thì đơn giản, nhưng hậu quả thì không hề đơn giản tí nào, thiệt hại của rất nhiều vụ lên tới hàng chục tỷ đồng. Vậy thì không lý gì lại không truy cứu trách nhiệm của những người gây ra cháy.

Có lẽ bởi lâu nay, chúng ta còn coi nhẹ việc này, cho nên cháy nổ mới liên tiếp xảy ra gây thiệt hại đơn thiệt hại kép và những người trong cuộc thì vẫn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Mặt khác, ở một số vụ cho thấy, công tác quản lý còn khá lỏng lẻo. Thậm chí nhiều người còn không biết cách thoát thân khi cháy nổ. Điều đáng ngạc nhiên là trong vụ cháy nổ ở trường Cao đẳng Kinh tế- Công nghệ TP HCM hôm 9/5, lực lượng  chữa cháy tại chỗ còn hoảng loạn tháo chạy xuống đường. Nghĩa là công tác tuyên tuyền, tập huấn cho người dân và lực lượng chữa cháy tại chỗ trong những tình huống khẩn cấp, ở Việt Nam chưa được thực hiện bài bản, chưa đến nơi đến chốn.

Một điều rất đáng mừng, là tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 này, hôm 21/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy. Tiếp đó, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy.

Theo đó, dự thảo luật đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của chủ hộ gia đình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ thì phải bồi hoàn chi phí chữa cháy, nếu gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Với những quy định chặt chẽ trong dự thảo Luật như vậy, hy vọng rằng, số vụ cháy nổ sẽ ngày càng ít đi để mỗi người trong chúng ta không phải giật mình thon thót mỗi khi nghe tin cháy nổ. Từ đây, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ có trách nhiệm hơn và từng người dân sẽ ý thức hơn, để hạn chế số vụ cháy nổ có thể xảy ra. Mặt khác, khi thời tiết nắng nóng gay gắt đang bao trùm nhiều địa phương như hiện nay, chỉ cần một hành vi rất nhỏ, như đốt một nén hương mà bất cẩn cũng có thể gây cháy, vì vậy, rất cần sự cẩn trọng của tất cả mọi người dân, trong từng hành vi. Bởi xin mọi người hiểu rằng, hành vi nhỏ đó nhưng mang một ý nghĩa rất lớn- không cháy- không gây thiệt hại và như vậy là góp phần làm giàu cho đất nước./.