Cái tên Formosa, giờ đây ở Việt Nam trở thành tính từ, nhắc nhở bài học cảnh giác trong thời kỳ hội nhập, thu hút đầu tư từ bên ngoài. Để xảy ra một Formosa là điều hơn cả rất đáng tiếc. Lúc này không nên cân đo, bàn cãi chuyện đền bù nhiều hay ít; vì dù có đền bù hơn con số hiện tại, cũng không bù đắp những gì đã mất, đang mất và sẽ mất.

Từ bài học đắt giá Formosa, hãy tỉnh táo và trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định tiếp nhận từng dự án đầu tư từ bên ngoài.

ca_chet_cnch_dxzs.jpg
Ông Trần Nguyên Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Formosa (áo đen) cùng 6 đại diện khác cúi đầu xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Trước Formosa chúng ta đã có những bài học đắng lòng từ cái cách trải thảm đỏ mời gọi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá. Nhiều sai lầm đã phải trả giá. Ở địa phương này địa phương khác, từ những dự án trải thảm đỏ, có thể tăng nguồn thu trăm tỷ, nghìn tỷ mỗi năm; giải quyết cả trăm lao động, nghìn lao động mỗi dự án…Nhưng, nếu thiếu tỉnh táo, xao nhãng trách nhiệm, cách trải thảm đỏ bằng mọi giá sẽ là lợi ít, hại nhiều; lợi trước mắt mà hại lâu dài. Những con số tăng nguồn thu chỉ là trước mắt, cân đong đo đếm được; nhưng những thứ hư hao, mất mát thì lớn gấp nhiều lần, hậu quả và hệ lụy lâu dài, không thể lượng hóa được.

Hãy lấy vụ việc Formosa Hà Tĩnh làm ví dụ.

Những nguồn thu tài chính mà dự án này mang lại mấy năm qua cho Hà Tĩnh là không nhỏ, giúp địa phương này bước vào hàng những tỉnh có nguồn thu ngân sách trên nghìn tỷ mỗi năm. Nhưng khi xảy ra thảm họa môi trường mang tên Formosa, thì tổng nguồn thu này trở thành giá trị âm.

Không chỉ Hà Tĩnh, mà Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, và các địa phương lân cận khác, bỗng dưng gánh chịu hậu quả. Thiệt hại mà chủ doanh nghiệp Formosa gây ra, là không thể lường tính, không chỉ ở lĩnh vực môi trường tự nhiên, mà còn môi trường đầu tư, môi trường chính trị, văn hóa, xã hội và tiềm ẩn vấn đề tối hệ trọng là chủ quyền, an ninh quốc gia!

Dự án này tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm, nhưng, cũng chính nó, tước đi sinh kế của hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn lao động, không chỉ ở lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt hải sản, mà cả ngành du lịch, vận tải và nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác. Những người được xem là có cơ may công ăn việc làm tại dự án Formosa, thì cái được cái mất, mang cân đo, chưa hẳn cái nào hơn cái nào. Liệu những lao động làm thuê cho ông chủ Formosa có thoát được mặc cảm mất tự do ngay trên mảnh đất quê hương mình?

Ngôi nhà chung của nhiều loài sinh vật biển bị phá hủy do Formosa xả thải (Ảnh: PLO).

Đừng bao giờ tin vào lời lẽ của một ai đó rằng, họ làm sai họ sẽ đền bù và bị xử lý theo pháp luật. Bài học Formosa và những bài học tương tự khuyên chúng ta nghiêm khắc hơn và thực tế hơn.

Chính sách trải thảm đỏ mời gọi đầu tư từ nước ngoài của các địa phương rất đáng hoan nghênh. Nhưng quá đề cao chính sách này, bỏ qua hoặc coi nhẹ những nguyên tắc cơ bản về các vấn đề công nghệ, môi trường, an ninh quốc phòng, lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia… thì sớm muộn, “trải thảm đỏ”sẽ là rước thảm họa!

Hoan nghênh chủ trương trải thảm đỏ, tạo môi trường thuận lợi và thân thiện để các nhà đầu tư đến với Việt Nam, để đôi bên cùng có lợi. Nhưng, hãy cảnh giác với hội chứng “trải thảm đỏ”, lấy “trải thảm đỏ” làm nguyên tắc “cốt lõi” để bỏ qua những nguyên tắc sống còn khác, để vụ lợi và toan tính lợi ích nhóm!

Thời buổi hội nhập, chúng ta hay nhắc đến những khái niệm tự tin và tỉnh táo. Tự tin để không đánh mất cơ hội. Tự tin để thêm bạn bè, đối tác. Nhưng cũng phải thường trực trạng thái đủ tỉnh táo để không rơi vào cái bẫy đối tác giăng mắc sẵn; để biết dứt khoát nói “không” với những dự án “bánh vẽ”, dự án tiềm ẩn nguy cơ bất lợi cho đất nước. Hãy cẩn trọng trước những dự án liên quan đến khai thác nguồn tài nguyên quý hiếm quốc gia; những dự án ở vị trí hiểm yếu của đất nước; những dự án “chuyển rác thải” dưới hình thức đầu tư…

Thời buổi hội nhập, chúng ta cần biết bao cán bộ tử tế, đủ tự tin và tỉnh táo, biết đặt lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng lên trên hết, để không có thêm một Formosa trên đất nước ta./.