Dư luận đang dồn về những diễn biến tại Cửa Lò liên quan đến việc Ban thường vụ Thị ủy Cửa Lò điều chuyển ông Nguyễn Văn Tuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo sang làm Bí thư Đảng ủy phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò nhưng ông Tuân từ chối nhận nhiệm vụ.

Xung quanh quyết định này của các cấp lãnh đạo Cửa Lò, người ngoài cuộc nhìn thấy nhiều thứ chưa phù hợp. Điều rõ nhất là tại sao lại có sự “hoán đổi” rất vô lý, buồn cười như vậy: Người đang có chuyên môn thì về làm công tác Đảng, người không có chuyên môn lại về lãnh đạo một cơ quan rất cần có chuyên môn. Nếu là một người có chuyên môn tốt hơn ông Trưởng phòng Giáo dục hiện tại được bổ nhiệm thì sẽ chẳng có chuyện để nói.

Việc luân chuyển cán bộ là chủ trương đúng đắn của Đảng ta để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Khi bổ nhiệm và luân chuyển những cán bộ có chức vụ thì phải có tiêu chuẩn bổ nhiệm. Thực tế, có nhiều người đủ tiêu chuẩn nhưng chưa hẳn đã có năng lực và ngược lại.

Trong câu chuyện ở Cửa Lò, rõ ràng người được luân chuyển về vị trí Trưởng phòng Giáo dục lại không có chuyên môn về giáo dục. Vị tân Trưởng phòng này cũng thừa nhận việc mình không có chuyên môn và khẳng định "... Tôi chưa có chuyên môn, chưa có rồi sẽ có...". Vậy có nghĩa vị trí trưởng phòng là nơi để ông “vừa học vừa làm”? Trưởng phòng giáo dục, ngoài lãnh đạo công tác chung của ngành thì còn phải quản lý chuyên môn. Một ông trưởng phòng có thể làm các công tác phong trào, công tác Đảng nhưng ông bí thư phường không thể làm trưởng phòng Giáo dục. Và nếu như lời ông tân Chủ tịch Phòng Giáo dục nếu cứ mãi vừa làm vừa học thì đến khi nào đất nước mới phát triển và ngành giáo dục ở địa phương có phải là “chuột bạch” để ông học nghề quản lý, chỉ đạo chuyên môn hay không?

Ngoài ra, dư luận cũng băn khoăn là tại sao ngay giữa năm học mà Cửa Lò lại tạo ra một sự xáo trộn không đáng có. Bởi từ xưa tới nay, mỗi ông/bà cán bộ lên quản lý lại muốn có dấu ấn lãnh đạo của mình nên thường hay “cải tổ, cải tiến, cải lùi” tùm lum hết cả. Liệu ông tân lãnh đạo Phòng giáo dục có nằm ngoài thực trạng này để thầy trò ở Cửa Lò đi hết một năm học yên ổn?

Trong câu chuyện này, dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về “nhóm lợi ích” của các bên liên quan. Phải chăng, mảnh đất giáo dục ở địa phương đang là miếng mồi béo bở, mảnh đất mầu mỡ nên khiến kẻ đang chiếm giữ nó không muốn “nhả” và kẻ bên ngoài thì muốn chen vào? Khi động đến “miếng bánh” lợi ích thì mới “lòi” cái đuôi ai vì công việc, ai vì quyền lợi. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, có cán bộ tốt việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị.

Phương châm tiến hành luân chuyển cán bộ phải "quang minh chính đại". Để luân chuyển cán bộ đúng, tổ chức Đảng phải có dũng khí và bản lĩnh cách mạng vững vàng. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng "Chính sách thì đúng, cách làm thì sai" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr 241), sẽ biến việc luân chuyển cán bộ từ một chủ trương đúng đắn thành cơ hội cho những toan tính cá nhân của một số người…

Trở lại với diễn biến ở Cửa Lò, nếu một tập thể đưa ra một quyết định chỉ để tính toán, dọn đường cho một cán bộ nào đó thì họ cần phải xem xét lại. Bố trí cán bộ, ngoài việc xem xét năng lực, trình độ thì cũng phải quan tâm đến công tác tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ đó. Với trường hợp này, công tác cán bộ ở Cửa Lò không cấp bách đến mức phải ra “tối hậu thư” để ép ông Trưởng phòng giáo dục phải nhận chức Bí thư phường. Hơn ai hết, lãnh đạo địa phương này phải hiểu cán bộ của họ đang làm gì, đang tâm huyết gì với ngành của họ. Nếu đúng như lời ông Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo Cửa Lò Nguyễn Văn Tuân nói “còn trăn trở với những công trình đổi mới đang xây dựng dang dở” mà lại đưa một “kẻ ngoại đạo” về tiếp quản những công trình ấy thì liệu có phải là “phá hoại” gây lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng đến hàng trăm giáo viên, hàng nghìn học sinh. Lãnh đạo Thị ủy Cửa Lò cần đặt lên bàn cân giữa con người và công việc.

Còn với ông tân Trưởng phòng, ai cũng tin rằng, ông cũng sẽ làm được việc vì dưới ông còn có cả một bộ máy giúp việc kia mà. Nhưng vấn đề là cuối nhiệm kỳ công tác ông xây hay phá nhiều hơn mà thôi?/.