Ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc họp báo ngày 18/5/2015 tại Bắc Kinh rất hào hứng, rằng lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên biển, rằng Bắc Kinh có trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế thực hiện trọng trách này(!).

tau_ca_didi_pdqh.jpg
Tàu cá của ngư dân miền Trung vươn khơi (Ảnh minh họa)

Việc Trung Quốc hàng năm đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là việc làm bất hợp pháp. Biển Đông không phải là vùng biển riêng của Trung Quốc. Từ bao đời nay Biển Đông là không gian sinh tồn của cư dân nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Chiếu theo luật pháp quốc tế hiện hành, Trung Quốc không có quyền định đoạt hay tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm ở vùng biển này. Trung Quốc càng không có quyền ngăn cấm các hoạt động hợp pháp của quốc gia có chủ quyền, quyền chủ quyền trong vùng biển, vùng trời mà luật pháp quốc tế quy định. Căn cứ mà Trung Quốc xem Biển Đông là vùng biển riêng của mình, để rồi đơn phương ra hết lệnh này đến lệnh khác, thì các học giả cũng như nhiều nhà chính trị trên thế giới đều đã hoài nghi và bác bỏ.

Chứng cứ lịch sử, chứng cứ pháp lý mà Trung Quốc viện dẫn đều mơ hồ và ngụy biện. Ngay bản đồ hình chữ U hay hình lưỡi bò bao chiếm gần hết Biển Đông mà Trung Quốc tự vẽ và trưng ra thế giới thì lại càng chủ quan và mơ hồ. Nếu quốc gia nào cũng vì lòng tham mà tự vẽ bản đồ để đòi chủ quyền ở lãnh thổ thuộc các quốc gia khác thì thế giới này sẽ ra sao? Vì lòng tham, ỷ thế nước lớn, bất chấp luật pháp quốc tế, xâm hại đến quyền, chủ quyền hợp pháp của quốc gia láng giềng là việc làm lợi bất cập hại.

Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông có phải là “thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế”, như lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi? Nếu vì trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế, thì không thể tự tung tự tác, không thể tiến hành đơn phương; càng không thể tiến hành trên vùng biển không phải chủ quyền, quyền chủ quyền của mình!

Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông có phải là “nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên biển”? Chắc chắn là không! Những việc Trung Quốc đang làm hiện nay ở Biển Đông mới là hủy hoại môi trường, hệ sinh thái biển. Đó là việc Trung Quốc thường xuyên huy động hàng trăm tàu thuyền cỡ lớn, với sự hỗ trợ của những “nhà máy chế biến hải sản di động” tràn xuống Biển Đông, khai thác theo kiểu tận thu tận diệt! Đó là việc dùng phương tiện, thiết bị cỡ lớn, hút cát, hút san hô nhằm bồi đắp các đảo đá chiếm giữ trái phép của Việt Nam ở Trường Sa! Đưa ra chiêu bài “trách nhiệm quốc tế” và “bảo vệ môi trường” cho một việc làm vô căn cứ và bất hợp pháp, đó là luận điệu lắt léo và ngụy biện.

Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông mà hàng năm Trung Quốc đưa ra, không chỉ là cái lệnh. Nhìn vào sâu xa, qua việc ban hành lệnh, Bắc Kinh muốn làm cho thế giới, đặc biệt là các quốc gia có quyền lợi chính đáng ở Biển Đông dần quen với luận điệu “Biển Đông là của Trung Quốc”.

Ngay sau khi ông Hồng Lỗi phát ra lời hay ý đẹp về trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế, dư luận quốc tế thêm một lần hoài nghi và thẳng thừng bóc mẽ về cái gọi là lòng tốt này. Tiến sỹ Zachary Abuza, người Mỹ, chuyên gia độc lập nghiên cứu về an ninh Đông Nam Á nhận xét rằng: “Trung Quốc đang lạm dụng quá mức luận điểm “nghĩa vụ quốc tế” để biện minh cho các hành vi của mình, khi mà mọi hành động của họ đều đang được tiến hành đơn phương. Nếu Trung Quốc thực sự quan ngại về môi trường, hệ sinh thái và nguồn tài nguyên biển, động thái thiết thực cần nhất lúc này là dừng ngay các hoạt động xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Chính những hoạt động xây dựng ở đó mới đang làm tổn hại ghê gớm đối với hệ sinh thái và môi trường biển”.

Cũng chính những hành động đó còn làm phức tạp thêm tình hình, tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình, ổn định khu vực./.