Cột điện được đổ bằng bê tông trộn đất; bờ kè tiền tỷ mà một trận mưa đầu mùa đã bị cuốn trôi… Những câu chuyện có thật tưởng như bịa đang là những “cái mặt chuột” bị lòi ra sau những “trận cháy nhà” ở nước mình. Nguyên nhân do đâu có lẽ ai cũng có thể biết, nhưng vấn đề là xử lý như thế nào khi mà tình trạng "lại quả", “phần trăm”, "phết, phẩy" trong lĩnh vực xây dựng đã trở thành vấn nạn, là mảnh đất màu mỡ của không ít kẻ lợi dụng cơ chế để kiếm chác. Cây cột điện được đổ bằng bê tông trộn đất có lẽ cũng không nằm ngoài sự tham lam của những người liên quan.
Câu chuyện về phần trăm trong các công trình, dự án ở đâu cũng có và không phải chỉ ở nước ta mới có, nhưng vấn đề là ở nước ta đã trở nên quá trầm trọng.
Theo những người chuyên lĩnh vực xây dựng, nếu nhận được công trình thì đơn vị thi công thường phải chi cho chủ đầu tư từ 10% đến 20% giá trị công trình?! (tùy vào mối quan hệ thân sơ, địa phương, loại dự án). Còn đơn vị thiết kế thì ăn theo giá trị phần trăm của công trình. Chính vì thế, đơn vị này đẩy vốn đầu tư công trình lên càng cao thì phần trăm được hưởng càng nhiều.
Có nghe doanh nghiệp than thở mới biết, để có được một dự án thì tiền phải “rải” tới cỡ nào. Từ khi dự án mới manh nha, mới là ý tưởng, doanh nghệp đã phải mất tiền để giành “quan hệ”. Tới khi dự án được đưa ra đấu thầu công khai, doanh nghiệp lại tiếp tục một đợt “rải tiền” mới, nào là tiền cho người chấm thầu, cho quân xanh, quân đỏ… đủ thứ trên đời. Những loại tiền ấy, doanh nghiệp hạch toán hết vào vốn đầu tư và đây cũng là một lý do khiến những công trình rất nhỏ nhưng đội giá lên hàng tỷ đồng. Và cũng là lý do nhiều ông chủ thầu xây dựng, sau một thời gian chạy dự án thì vỡ nợ hoặc nợ đầm đìa.
Móng cột điện làm bằng bê tông trộn đất: Chủ đầu tư nói gì?
Chia phần trăm đã trở thành luật bất thành văn trong các công trình xây dựng. Nếu khi chạy dự án, “quan hệ” mất nhiều tiền thì đơn vị thi công sẽ phải “bớt phần”? Có lẽ không, vì trong quá trình thi công, họ sẽ tìm các bớt xén vật liệu, hạ mác xi măng, chất lượng sắt thép, thậm chí họ còn “rút ruột” của công trình này để xây dựng các công trình khác.
Trong quá trình thi công thì phát sinh nhiều thứ chi phí khác “ngoài danh mục”, ví dụ, thỉnh thoảng anh thanh tra xây dựng của Quận, phường, hoặc địa phương xuống thì cũng phải “có tí lót tay”, rồi chẳng may “đụng chạm” vào ai đấy mà phải sửa sai, thì cũng phải chi...bằng tiền. Những thứ này cũng được tính vào chi phí đầu tư xây dựng.
Thực tế đã có doanh nhân tự tử và trong thư tuyệt mệnh đã thừa nhận vì “chạy” dự án rồi mắc nợ (vụ doanh nhân ở Thanh Hóa) và có cả những kẻ lợi dụng danh nghĩa “chạy dự án” để lừa đảo khiến biết bao nhiêu người đã phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Đơn cử như vụ Nguyễn Thị Hiền (SN 1956, trú tại TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) từ cuối năm 2009, với danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển Minh Nam (có trụ sở ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội), Hiền đã đi “chào hàng” với nhiều đơn vị về nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ. Nhiều đơn vị đã tin tưởng Hiền và sẵn sàng chi tiền cho Hiền để “chạy” vốn đầu tư.
Ai cũng biết chuyện rút ruột dự án, công trình để chung chi, chia chác nên rất nhiều công trình chưa kịp bàn giao đã hỏng hay có những công trình đã được đưa vào sử dụng và để lại bài học vô cùng đau xót như vụ sập cầu Chu Va ở Lai Châu… nhưng chúng ta lại chưa có giải pháp hữu hiệu để dập tắt nó. Nếu tình trạng chung chi, phần trăm vẫn tồn tại phổ biến, qua nhiều khâu như hiện nay thì bê tông đổ cột điện trộn đất, đổ bê tông cốt bằng cọc tre, công trình tiền tỷ đắp chiếu không thể sử dụng… sẽ vẫn cứ tiếp tục tồn tại.
Trong buổi đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra hồi cuối tháng 4 vừa qua tại TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắng nói về những “khuất tất” giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước rằng: “Các vị đừng nghĩ là Thủ tướng không biết, có cưa đôi tôi ra thì tôi cũng biết”. Dư luận rất mong Thủ tướng sẽ mạnh tay với những việc ăn chia để lại hậu quả đáng buồn cho đất nước như thế này./.