Cho đến giờ phút này, có lẽ, nhiều người vẫn còn cảm giác lâng lâng phấn khích khi xem trích đoạn tuồng “Ông già cõng vợ đi xem hội” mà cậu bé Nguyễn Đức Vĩnh trình diễn trong đêm chung kết chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam – Vietnam’s Got Talent 2015. NSND Đàm Liên – một nghệ sĩ tuồng gạo cội nổi tiếng sau khi xem xong tiết mục này đã không ngủ được vì quá xúc động.
Biên tập viên Mai Văn Lạng – một soạn giả chèo của VOV cũng đã trào nước mắt. Anh viết trên facebook cá nhân của mình: “Mình đã trào nước mắt khi xem Đức Vĩnh diễn. Trào nước mắt không chỉ vì đằng sau vẻ non nớt của một cậu bé diễn một trích đoạn tuồng khó vào bậc nhất trong các trích đoạn sân khấu dân tộc. Trào nước mắt không chỉ vì cái duyên sân khấu của Đức Vĩnh đến độ đằm thắm mà xúc động còn bởi lẽ hóa ra trong đâu đó sâu thẳm tầm hồn mỗi người Việt Nam, dù trẻ thơ hay mỗi cụ già đều ẩn chứa một tình yêu văn hóa dân tộc, đều mang nặng tình quê hồn nước. Cái tiềm năng đó khi được khơi gợi đúng lúc, đúng chỗ nó sẽ bùng lên thiêu đốt những loại hình nghệ thuật ngoại lai…”.
Không chỉ những nghệ sĩ, những người nặng lòng với nghệ thuật dân tộc có cảm xúc như vậy khi xem bé Đức Vĩnh biểu diễn mà hàng triệu khán giả cũng đã bày tỏ vui mừng và hâm mộ khi Đức Vĩnh giành được ngôi vị Quán quân. Sẽ không thể kể được hết những status, comment trên mạng xã hội facebook, trên báo chí viết về cậu bé này từ tối chủ nhật (5/4) đến nay.
Xem lại cả 4 tiết mục mà Đức Vĩnh thể hiện, từ “Thị Mầu lên chùa” ở vòng loại cho đến “Cô đôi thượng ngàn”, “Xúy Vân giả dại” rồi “Ông già cõng vợ đi xem hội” - những tiết mục chèo, hát văn, tuồng đặc sắc trong kho tàng nghệ thuật dân gian Việt Nam, chúng ta không thể không thừa nhận tài năng đặc biệt của cậu bé. Và càng nể phục hơn khi biết ngay từ lúc 3 tuổi, Đức Vĩnh đã thích nghe chèo, quan họ,…và cậu bé đã bắt chước diễn theo qua tivi, qua internet chứ không có bất kỳ trường lớp hay được người có nghề truyền dạy.
Chúng ta đã từng lo ngại khi thấy giới trẻ phát cuồng vì những ngôi sao người Hàn Quốc, Âu, Mỹ…hay nhiều ca sĩ, nhiều thiếu niên hát nhạc ngoại quốc chuẩn hơn hát tiếng Việt; từng bi quan khi văn hóa ngoại lai đang xâm nhập vào showbiz Việt tưởng không có cách nào ngăn lại được.
Những “hiện tượng” như Đức Vĩnh, Hoài Lâm, Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân….đang nhen lên niềm tin và hy vọng rằng giá trị âm nhạc truyền thống, bản sắc văn hóa Việt vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng công chúng và sẽ tiếp tục được gìn giữ, lưu truyền bởi chính lớp trẻ.
Vì vậy, hơn hết, công chúng mong sẽ tiếp tục tìm kiếm được thêm nhiều tài năng trẻ yêu nghệ thuật truyền thống như thế trong thời gian tới./.