Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố đã tiết kiệm được 50.000 tỷ đồng sau khi rà soát lại thiết kế và áp dụng các biện pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm. Điều đó cũng có nghĩa là những sai lầm trong thiết kế, thi công, giám sát đã được Bộ này thẳng thắn thừa nhận. Dư luận cho rằng, nguồn vốn đầu tư công sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn cho nền kinh tế, nếu việc rà soát các dự án đầu tư được tiến hành rộng rãi với tinh thần trách nhiệm cao của các Bộ, ngành, địa phương trong toàn quốc.

Con số 50.000 tỷ đồng tiết kiệm được cho ngân sách quả là không hề nhỏ chút nào, trong điều kiện đất nước còn khó khăn, nguồn vốn dành cho đầu tư công luôn được Chính phủ tính toán chi li.

tiet-kiem-dau-tu-cong.jpg
Cải tạo, mở rộng QL1 là một trong những dự án tiết giảm chi phí đáng kể (Ảnh: giaothongvantai.com.vn)

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII, trước khi bấm nút chấp thuận đề nghị của Chính phủ nâng mức bội chi ngân sách lên 5,3 % nhằm đảm bảo nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển, các đại biểu Quốc hội cũng không quên lưu ý Chính phủ phải đảm bảo đồng tiền đầu tư đúng địa chỉ, mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế.   

Chỉ cần đẩy nhanh tiến độ thi công với giải pháp hợp lý, về đích trước 9 tháng, dự án mở rộng quốc lộ 1A, đoạn nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh Hà Tĩnh đã giảm mức đầu tư từ 2400 tỷ đồng xuống còn hơn 1.900 tỷ đồng. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, điều chỉnh giảm chiều rộng dải phân cách giữa, giảm vận tốc từ 120 km/giờ xuống 80-120 km/giờ cũng đã làm lợi khoảng 2.372 tỷ đồng.

Tại dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, chỉ cần điều chỉnh chiều dài nhịp dây văng cầu Bình Khánh từ 460 m còn 375 m; cầu Phước Khánh từ 375 m xuống 300 m và điều chỉnh kết cấu dầm cầu Bình Khánh từ dầm thép thành dầm bê-tông cốt thép dự ứng lực, điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu, điều chỉnh kết cấu mặt đường…đã giảm được 6.921 tỷ đồng…

Gần đây nhất, trong dự án xây dựng cầu Việt Trì nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, chỉ riêng việc điều chỉnh kết cấu nhịp chính sử dụng liên tục đúc hẫng cân bằng thay vì phương án cầu dây văng cũng đã tiết giảm cho ngân sách khoảng 1.123 tỷ đồng.

 Thực tế cho thấy, không cần cắt giảm số lượng dự án đầu tư mà chỉ cần rà soát việc phân kỳ đầu tư, quy mô đầu tư - tiêu chuẩn kỹ thuật, lựa chọn giải pháp thiết kế và đánh giá tình trạng khai thác các công trình, để trên cơ sở đó gia cường, tận dụng các điều kiện tự nhiên cho phép trong quá trình thi công, ngành Giao thông Vận tải đã tiết kiệm được số vốn khá lớn. Cũng từ việc này, cho thấy câu chuyện quản lý, thẩm định các dự án giao thông trước đây vẫn còn nhiều kẽ hở, khâu giám sát bị buông lỏng, tạo điều kiện cho tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở một số đối tượng. Điều đáng quý là những thiếu sót này đã được Bộ Giao thông Vận tải thẳng thắn thừa nhận, để những đồng vốn tiết kiệm từ các dự án này được đầu tư cho các công trình giao thông nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, giúp các địa phương này vươn lên.   

Việc rà soát để tiết giảm chi phí đầu tư, để những đồng vốn của dân của nước được dùng đúng nơi đúng chỗ, có địa chỉ nhận trách nhiệm rõ ràng là rất cần thiết. Nhất là với những ngành sử dụng vốn ngân sách nhiều như Giao thông.

Theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từ nay đến năm 2020 do Bộ Giao thông Vận tải quản lý lên tới 960.000 tỷ đồng. Trong khi nguồn vốn ngân sách ngày càng khó khăn, phải huy động từ nhiều nguồn khác, thì việc thực hiện các giải pháp tiết giảm và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của nhà nước cần phải được triển khai rộng rãi.  Bởi vì, nếu kinh nghiệm này được nhân rộng ra các Bộ, ngành, cũng như tất cả các địa phương; nếu vị lãnh đạo nào trước khi ký quyết định đầu tư cũng nghĩ đến tính hiệu quả của dự án, nghĩ đến cái chung thì chắc chắn không có cảnh cơ quan trụ sở nguy nga tráng lệ như cung điện giữa cánh đồng; sẽ không có những bến cảng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng quanh năm suốt tháng đìu hiu; sẽ không có những con đường nghìn tỷ mà mỗi năm vài tháng được người dân địa phương tận dụng để phơi ngô phơi sắn; sẽ không có cảnh tỉnh nào cũng có cảng biển, sân bay, cũng có khu kinh tế, nhà máy thép xi măng, sân golf...

Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là tiền thuế của dân. Tiết kiệm vốn đầu tư công là tiết kiệm sức dân. Mà tiết kiệm sức dân là cách tốt nhất để dành nguồn lực cho phát triển đất nước./.