Những ngày này, truyền thông lại xôn xao câu chuyện lương thưởng ở những khối doanh nghiệp, kinh doanh. Nơi tươi cười vì “thưởng khủng”, nơi “méo miệng” vì bị nợ lương. Ở một “nốt lặng” khác, những người làm nghề “gieo chữ” dường như đã thành quen, họ không dám nghĩ đến thưởng Tết. Các nơi khác còn có năm vui, năm buồn, chứ nhiều giáo viên từ khi bước chân vào nghề tết nào cũng chỉ có một điệp khúc duy nhất “không thưởng tết”.

co_giao_vung_cao_mfsa.jpg
Hình ảnh cô giáo vùng cao ở Điện Biên khiến nhiều người khâm phục vì sự hy sinh của các thầy cô vì đàn em thân yêu! (ảnh FB nhân vật)

Chắc hẳn, cộng đồng mạng chưa thể quên hình ảnh những thầy cô giáo lên vùng cao “gieo chữ”. Bùn đất bám kín người, chỉ hở ra đôi mắt và nụ cười rạng rỡ. Họ làm việc, sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn và khó khăn nhưng không một lời kêu ca. Nhiều người trong số họ, hàng chục năm gắn bó với nghề, với trẻ em vùng cao. Và cũng từng ấy năm, họ chưa biết đến thưởng Tết. Với họ, “thưởng Tết” lớn nhất là bữa cơm đoàn viên với gia đình, là tình cảm quyến luyến của những cô cậu học trò nghèo mong thầy cô sớm trở lại sau 1 tuần nghĩ lễ.

Nhiều thầy cô chỉ ăn cái Tết tinh thần. Bởi quanh năm, lương giáo viên còm cõi, làm đến đâu chi tiêu cho sinh hoạt gia đình hết đến đó, còn đâu mà để dành, chẳng may ốm đau chắc cũng chỉ dám nằm chờ… “tự khỏi”.

Không  phải 100% giáo viên đều vất vả, phải lo toan cho cuộc sống, ăn bữa nay lo bữa mai. Ở thành phố, nhiều cô giáo có thu nhập cao, là mơ ước của nhiều người, nhờ dạy thêm hoặc được làm việc trong những môi trường sư phạm thuận lợi. Nhiều người trong số họ không quan tâm đến thưởng Tết.  

Thưởng Tết cho giáo viên vì sao khó đến vậy? Nhiều người bảo là do đất nước ta còn nghèo, kinh phí đầu tư cho giáo dục lớn, nhân lực của ngành lại đông không thể bao được hết. Chính vì thế, nếu thưởng Tết chỉ là “muối bỏ biển”. Đấy mới chỉ là cách nghĩ một chiều. Nên chăng, ngành giáo dục cần dành riêng một quỹ, có chế độ thưởng Tết cho những giáo viên đang ngày đêm vất vả ở những nơi biên giới hải đảo xa xôi, những nơi mà quanh năm chỉ có mây trắng bao phủ. Khoản tiền thưởng này dù là nhỏ nhưng là sự an ủi vô cùng lớn với những thầy cô đang vất vả ngày đêm đưa con chữ tới nơi “đèo heo hút gió”.

Nghề giáo là nghề cao quý, là nghề trồng người… để những người làm nhiệm vụ trồng người thêm yêu nghề, mến trẻ thì cũng cần sự quan tâm sâu sát từ phía xã hội, các cơ quan quản lý. Đất nước còn nghèo nhưng không có nghĩa chúng ta có thể quên những người đang phải hy sinh tuổi trẻ, hạnh phúc của mình vì sự nghiệp chung của đất nước./.