Theo dự kiến, ngày 15/6, nhạc sĩ Quốc Dũngsẽ tham gia đêm nhạc "Tình khúc Quốc Dũng - Kim  Tuấn" của mình. Thế mà chỉ trước đó một tuần, ông bị tai nạn giao thông, được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng vỡ xương vai, xuất huyết não.Dẫu sao nhạc sĩ cũng còn may mắn hơn nhà khoa học Nhật Bản Nishimura Masanari, người vừa qua đời vì tai nạn giao thông ở Việt Nam, khiến cho đồng nghiệp, bạn bè và người dân nơi ông đến công tác bàng hoàng thương xót.Theo tổng hợp của Cục Cảnh sát giao thông, tuần đầu tiên của tháng 6/2013, đã xảy ra 339 vụ tai nạn giao thông trên cả nước, làm chết 151 người, bị thương 232 người. Đặc biệt nghiêm trọng là 3 vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ở Khánh Hoà, Quảng Nam và Bà Rịa- Vũng Tàu, làm chết nhiều người và có những trường hợp nhiều người trong cùng một gia đình bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn.Tai nạn giao thông xảy ra, nguyên nhân có nhiều: do yếu tố con người, do sự yếu kém của đường sá, cơ sở hạ tầng và phương tiện tham gia giao thông. Riêng trong các vụ tai nạn giao thông mới đây, các cơ quan chức năng sơ bộ kết luận rằng, nguyên nhân chính là do lái xe cẩu thả, chạy quá tốc độ.Hiện nay lượng phương tiện xe cộ liên tục tăng nhanh. Người điều khiển phương tiện nếu chưa vững tay lái, chưa nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ, chưa thực hành nhiều lần những cách xử lý tình huống... thì tai nạn xảy ra là tất yếu.Việc kiểm tra, sát hạch cấp giấy phép lái xe của chúng ta còn chưa hợp lý. Cách dạy, cách học, cách sát hạch... đều theo kiểu đối phó. Người ta chỉ nhăm nhăm học làm sao để nhanh lái được xe ra đường, làm sao để chóng có bằng lái, mà không học luật cho kỹ, học để thấm nhuần trách nhiệm, đạo đức của mình khi ngồi sau vô-lăng, nhất là đối với những tài xế chuyên nghiệp.Bởi thế, để giải quyết vấn đề an toàn giao thông, ngoài việc nâng cấp mở rộng đường sá, nghiêm túc đăng kiểm phương tiện, chấn chỉnh hoạt động của cảnh sát giao thông ... thì việc quản lý học, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cần được xem xét lại, sao cho thực sự nghiêm túc và hiệu quả.  Phải bắt đầu bằng việc chấn chỉnh các trung tâm đào tạo lái xe, không để phát triển tràn lan mà tập trung vào chất lượng.Khi lưu thông trên đường, nhiều quy định đã có nhưng vì lý do nào đó người ta không thực hiện nghiêm túc, như quy định về tốc độ, cấm đi sai làn đường, vượt đèn đỏ, hay việc một người chỉ được lái xe một số giờ nhất định là phải nghỉ ngơi... Cần kiểm tra thường xuyên những người sử dụng phương tiện để biết được những hành vi vi phạm và xử lý thật nặng.Nhiều tài xế viện dẫn lý do chạy quá tốc độ là vì bị ép thời gian, ép chuyến; nếu vậy trách nhiệm nằm ở người quản lý, chủ phương tiện. Khi tai nạn xảy ra, chủ phương tiện cũng cần phải chịu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, cũng yêu cầu: “…xử phạt nghiêm khắc thậm chí điều tra, truy tố trước pháp luật những người do ý thức mà gây ra tai nạn. Đồng thời, yêu cầu các công ty, chủ xe phải gánh trách nhiệm cùng với lái xe để quản lý tốt hơn nữa".

Năm 2013 được chọn là Năm an toàn giao thông. Nửa năm trôi qua, chúng ta đã làm được những gì cho mục tiêu an toàn giao thông ? Tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng là hệ quả của một quá trình buông lỏng quản lý và cẩu thả dễ dãi của nhiều cá nhân tham gia giao thông. Nếu chúng ta không có những biện pháp thực sự mạnh mẽ, triệt để "phanh" ngay lại,thì tai nạn giao thông sẽ còn diễn tiến xấu hơn, gây đau thương, thiệt hại cho nhiều gia đình và toàn xã hội./.