Một tháng nay, người trồng bắp ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long gặp cảnh khốn đốn khi bị kẻ xấu tung tin đồn rằng, bắp (ngô) được nông dân trồng và luộc bằng hóa chất. Mặc dù thông tin này đã được Bộ Y tế bác bỏ nhưng việc tung tin đồn sai sự thật này đã gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất của nông dân cũng như gây hoang mang cho người tiêu dùng. Đây cũng không phải là chuyện lần đầu xảy ra.

Đến xứ trồng bắp có tiếng nhất nhì vùng Đồng bằng sông Cửu Long, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, dù tin đồn đã đi qua, các cơ quan chức năng đã kết luận bắp nguyên liệu không chứa chất kim loại nặng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức cho phép nhưng nhiều hộ trồng bắp vẫn khóc dở mếu dở khi bắp không bán được, giá sụt giảm.

Có lẽ không ai ngờ người dân trồng bắp - loại cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây nhiều năm nay lại gặp cảnh khốn khó như hiện nay khi giá hiện chỉ có 900 đồng/bắp, trong khi trước kia không dưới 2.000 đồng, mà cũng không thấy thương lái đến mua. Nếu tình hình này kéo dài, những vùng chuyên canh bắp của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị thu hẹp diện tích vì nhà nông không dám trồng bắp nữa.

trong-bap.jpg
Nông dân thu hoạch bắp lai ở huyện An Phú, tỉnh An Giang

Không chỉ có người trồng bắp, mà những ngày qua, nông dân vùng vựa chuối Quảng Ngãi cũng không thể bán được vì tin đồn ăn chuối bị ung thư. Nhiều nông dân thiệt hại hàng chục triệu đồng vì chuối chín rục ngoài vườn, đành vứt bỏ làm thức ăn cho gia súc. Tin đồn không chỉ được truyền tai nhau mà kẻ xấu còn ngang nhiên viết ra giấy dán khắp các chợ, khu vực đông dân cư làm người tiêu dùng hoang mang.

Việc kẻ xấu tung tin đồn nông dân sử dụng hóa chất để cho trái bắp to, luộc bắp bằng hóa chất hay ăn chuối bị ung thư thực ra là một kiểu phá hoại sản xuất và cạnh tranh không lành mạnh, làm rối loạn thị trường. Không loại trừ, đây là thủ đoạn thâm độc của thế lực bên ngoài, muốn phá kinh tế, đẩy người nông dân vào thế khó, từ đó hình thành tâm lý bất an, bất ổn, gây rối loạn xã hội. Đây không còn là câu chuyện mới.

Từ trước đến nay, đã có nhiều loại nông sản đang được giá, hút hàng, sản xuất ổn định thì bị tin đồn thất thiệt khiến sản xuất đình đốn, nông dân lỗ nặng, thậm chí nhà nông không thiết tha tiếp tục canh tác vì sợ không bán được.

Chuyện ăn bưởi bị ung thư hay tin đồn cá diêu hồng có chứa chất cấm có lẽ nhiều người vẫn chưa quên. Mặc dù sau đó, những thông tin này đều được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ, nhưng sự tổn thất về vật chất và tinh thần của bà con nông dân thì không thể lấy lại được.

“Tiếng lành đồn xa” nhưng “tiếng dữ” đồn lại càng xa và nguy hại hơn, vì thế những thông tin giật gân, bất thường càng khiến dư luận quan tâm. Chỉ trong thời gian ngắn, những tin đồn thất thiệt đã lan ra nhanh chóng, làm người tiêu dùng lo lắng, người sản xuất khốn khổ, ăn ngủ không yên.  

Và cũng phải thấy rằng, những thông tin gây thiệt hại lớn ấy lại được không ít trang báo mạng đăng tải rộng rãi, thiếu sự định hướng, chỉ dẫn. Những thông tin như thế, dù chưa biết sự việc thật hư ra sao, người tiêu dùng, chắc chắn họ sẽ có phản ứng tức thì là quay lưng lại những sản phẩm “có vấn đề”. Thật là lợi bất cập hại.

Nhận thấy sự nguy hại của những tin đồn vô căn cứ ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, chính quyền một số tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành sớm làm rõ, xử phạt nghiêm những kẻ tung tin đồn nhảm. Lực lượng công an cũng đang vào cuộc điều tra để làm sáng tỏ sự việc. Rất đáng tiếc, cho đến nay, chưa phát hiện và xử lý được kẻ chủ mưu tung tin đồn nhảm, gây thiệt hại cho cộng đồng. Qua sự việc này cũng thêm một bài học cho các cơ quan báo chí: cần hết sức thận trọng trước khi đưa tin./.