Bắt được nghi phạm vụ thảm sát 6 người trong 1 gia đình ở Bình Phước (Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến) sau 3 ngày điều tra ráo riết, khiến người dân phần nào thở phào vì kẻ ác không còn ngoài vòng pháp luật. Nhưng thực sự không phải ai cũng nhẹ nhõm sau tiếng thở phào ấy. Bởi sau vụ thảm án này lại đặt ra nhiều mối lo hơn về sự an nguy cho cuộc sống của mỗi người và những người thân trong gia đình.
Nghi can Nguyễn Hải Dương |
Thứ nhất: Người dân cảm thấy lo ngại vì thiếu phương tiện, lực lượng hỗ trợ để bảo vệ mình trong các tình huống nguy cấp. Mặc dù, chúng ta đã có các số tổng đài khẩn cấp như 113, 114... nhưng chắc rằng, trong các tình huống khẩn cấp như vụ ở Bình Phước hay vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang, các số liên lạc đó thực sự kịp phát huy tác dụng?
Trong vụ Lê Văn Luyện, cháu bé may mắn sống sót đã bấm số điện thoại khẩn cấp nhưng khi đó lại yêu cầu phải có mã vùng nên cháu đã không thể thực hiện cuộc gọi thành công.
Còn trong vụ thảm sát ở Bình Phước, giả sử nạn nhân có bấm được điện thoại thì chắc chắn họ phải mất thời gian giải thích với lực lượng 113 là đang có chuyện gì xảy ra. Gọi tới những số điện thoại khẩn cấp này ngoài việc phải giải thích lý do, miêu tả sự việc… mất thời gian thì dường như kỹ năng phản ứng trước các tình huống khẩn cấp không thường trực trong đầu người dân. Để khi xảy ra bất kỳ chuyện gì, việc đầu tiên mỗi người gặp nạn thường làm là “gọi điện thoại cho người thân”.
Cũng liên quan đến câu chuyện về số điện thoại khẩn cấp, Cảnh sát 113, lực lượng cứu hỏa… phàn nàn là nhận được quá nhiều cuộc báo giả. Nhiều khi cảnh sát đến nơi không có sự vụ lại chưng hửng ra về. Để tránh những cuộc gọi báo giả, giải pháp được nhiều người đưa ra là “đánh mạnh” vào túi tiền những người sử dụng dịch vụ này.
Về phía người dân cũng phải rèn lại ý thức, trách nhiệm với mỗi việc làm của mình. Trong lúc còn quá nhiều việc phải làm thì đừng lấy trò tiêu khiển là điện thoại quấy rối cảnh sát 113… Và có lẽ cũng cần tính đến việc xây dựng chế tài xử phạt thật nghiêm đối với những hành vi này.
Tin nhắn lạ lúc rạng sáng tố nghi phạm thảm sát tại Bình Phước
Thứ hai, tang vật thu được trong vụ án này có cả súng (súng bắn bi, bắn điện). Vậy thử hỏi, các đối tượng này đã mua súng ở đâu? Tại sao hai thanh niên “con nhà lành”, chưa từng có tiền án, tiền sự lại có thể mua được vũ khí một cách dễ dàng như vậy? Luật pháp nước ta không cho phép người dân được quản lý và sử dụng súng, đạn. Việc hai thanh niên học hết cấp 3, đi làm thợ mộc lại có thể mua súng để gây án đặt ra câu hỏi cần được trả lời về kẽ hở trong quản lý vũ khí ở nước ta.
Thứ ba, qua vụ việc này, nhiều gia đình mới “giật mình” xem lại cách giáo dục, quản lý con cái. Có ai ngờ, chàng rể hờ lại có thể là nghi phạm ra tay tàn sát dã man từ người lớn để trẻ em như vậy. Và những người làm cha mẹ cũng đặc biệt lưu ý đến chuyện bạn bè, yêu đương của con mình, định hướng đúng đắn về tình yêu, tình bạn, gia đình và có ứng xử phù hợp! Hai kẻ thủ ác ở Bình Phước đều con nhà lao động. Họ tin vào sự hiền lành, ít nói của con mình. Đến khi con tra tay vào còng số 8 họ thật sự bị sốc.
Thứ tư, việc bảo vệ an ninh, an toàn ở những gia đình giàu có vẫn như bỏ ngỏ. Rất ít gia đình ở Việt sử dụng hệ thống báo động chống trộm, camera hay các công cụ đảm bảo an toàn khác.
Vụ thảm sát ở Bình Phước: Nghi phạm sẽ bị khởi tố về 2 tội danh
Một việc nữa tuy không liên quan đến vụ thảm sát lần này nhưng cũng không thể bỏ qua hay làm ngơ, đó là mạng xã hội. Hiện nay, mạng xã hội ảnh hưởng ngày càng lớn, đặc biệt trong các sự việc quan trọng. Những cơ quan quản lý, các gia đình, các ông bố, bà mẹ đều phải quan tâm đến con em mình khi sử dụng internet, mạng xã hội.
Gia đình - nền tảng cơ bản của xã hội. Gia đình có nền tảng cơ bản, con cái được giáo dục, quan tâm đúng mức thì đất nước sẽ có những công dân tốt, có ích cho xã hội. Những tưởng vụ án Lê Văn Luyện đã là đỉnh điểm của sự kinh hoàng nhưng diễn biến tội phạm ngày càng phức tạp, nếu không có các giải pháp ngăn ngừa thì không ai có thể nói trước trong tương lai sẽ không xuất hiện những sát thủ máu lạnh kiểu như Nguyễn Hải Dương, Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa.../.