Sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, ngoài những vấn đề an sinh xã hội, cử tri đặc biệt quan tâm tới công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội chiều 18/7 vừa qua, Tổng Bí thư khẳng định quyết tâm xử lý những vụ tham nhũng lớn; đồng thời chỉ ra thực trạng “tham nhũng vặt” đang ẩn giấu trong nhiều hoạt động xã hội, và những khó khăn của cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay. Một trong những nguyên nhân của thực trạng đó, là quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở; còn chưa có cơ chế hữu hiệu quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức, quyền và vị trí có nguy cơ xảy ra tham nhũng.

Cử tri bức xúc là điều dễ lý giải, bởi 6 tháng qua các ngành chức năng phát hiện số tiền do tham nhũng là hơn 11.000 tỷ đồng; nợ thuế 72.000 tỷ đồng. Tăng gấp đôi so với năm 2014. Trong khi tình trạng lãng phí không hề giảm; quản lý tài sản, thu nhập, quản lý kinh tế vẫn tiếp tục thiếu công khai, minh bạch, gây những nghi hoặc, thắc mắc trong người dân. Đặc biệt, cũng thời gian này theo Thanh tra Chính phủ, trong số gần 1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập chỉ có 4 người kê khai không trung thực.
tham_nhung_dunh.jpg
Phòng chống tham nhũng là cuộc chiến không khoan nhượng (ảnh: KT)

Ghi nhận những cố gắng của các ngành chức năng trong việc phát hiện, xử lý đối tượng tham nhũng, hành vi tham nhũng, nhưng cử tri, người dân không khỏi băn khoăn về sự trung thực của những người được cho là đã “kê khai trung thực” mà theo Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) “không có cơ sở nghi ngờ”. Không nghi ngờ nhưng 6 tháng qua, cơ quan Công an đã thụ lý điều tra 225 vụ, 600 bị can phạm tội về tham nhũng; gần 8.500 cán bộ, công chức, viên chức bị chuyển đổi vị trí công tác; 18 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng… Những con số ấy có mâu thuẫn với việc chỉ có 4 trường hợp không trung thực trong gần 1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập? Nó có mâu thuẫn không khi đến nay, chưa có một vụ án tham nhũng nào được phát hiện thông qua việc kê khai tài sản?

Tuy rằng, chưa khẳng định gian dối trong kê khai, nhưng kê khai không hiệu quả là điều có thực đã và đang xảy ra. Rõ ràng, trong khi tham nhũng được cảnh báo là mối nguy hại “đe dọa sự tồn vong của chế độ” thì không thể kêu gọi sự trung thực của những người lạm dụng, lợi dụng chức quyền, vị trí việc làm để tham nhũng.

Dư luận chưa khỏi thắc mắc về những khu đất, biệt thự, các tài khoản ngân hàng của một số người “quyền cao, chức trọng” lại xuất hiện câu hỏi mà những người có thẩm quyền không dễ trả lời ngay được.

Vì sao chỉ với chức vụ là quyền Trưởng phòng mà Giang Kim Đạt - Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Tập đoàn Vinashin chiếm đoạt được số tiền gần 19 triệu USD?

Kẽ hở nào để trong quá trình trốn lệnh truy nã, Đạt vẫn chuyển tiền về nước cho người thân đầu tư vào bất động sản, mua sắm các phương tiện đắt tiền, bản thân Đạt mua biệt thự trị giá hàng triệu đô la ở nước ngoài? Chỉ là quyền Trưởng phòng đã tham nhũng gần 19 triệu USD, với những người quyền to hơn, chức cao hơn khối tài sản bị chiếm đoạt là bao nhiêu? Sẽ có bao nhiêu người, bao nhiêu hoàn cảnh bị ảnh hưởng bởi hành vi “ăn trên, ngồi trốc”, bòn vét tiền của của nhân dân để “vinh thân phì gia”?

Cán bộ, công chức trước hết phải là người thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật. Điều đó đúng và là một yêu cầu, đòi hỏi của mỗi cán bộ công chức Nhà nước. Nhưng thực trạng tham nhũng hiện nay cho thấy, việc quản lý cán bộ lỏng lẻo đến mức nào; cho thấy, thủ đoạn của đối tượng tham nhũng trong việc luồn lách kẽ hở của pháp luật; cho thấy, nếu không có cơ chế giám sát minh bạch, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời; nếu việc kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức như hiện nay thì những “con cá mập” như Giang Kim Đạt còn lọt lưới. Lúc ấy vừa mất cán bộ, vừa khó thu hồi tài sản tham nhũng trả lại cho đất nước, cho xã hội, lại vừa mất lòng tin nơi dân.

Phòng chống tham nhũng là cuộc chiến không khoan nhượng; các đối tượng tham nhũng không dễ từ bỏ mục đích chiếm đoạt, sở hữu tài sản, kể cả trong lĩnh vực được coi là “khó tham nhũng”.

Bởi thế, thể chế hóa cơ chế tạo sự công khai, minh bạch trong việc kê khai tài sản; xác minh tài sản; tăng trách nhiệm giải trình trước dân là những nguyên tắc cần có, cần thực hiện của nền quản trị hiện đại, làm lành mạnh hơn cơ thể xã hội. Các yếu tố đó không chỉ tác động trực tiếp tới các vụ tham nhũng lớn mà sẽ góp phần giảm thực trạng, “Đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu …” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu./.