Theo dự thảo mới nhất của Bộ Y tế, khoảng 350 dịch vụ y tế (trong tổng số hơn 3.000 dịch vụ, kỹ thuật y khoa) sẽ tăng giá mạnh. Chẳng hạn, đối với giá dịch vụ khám chữa bệnh, mức thu được đề xuất điều chỉnh tăng từ 6.000-25.000 đồng/lần khám. Đối với giường điều trị nội trú, dự kiến mức điều chỉnh cho một ngày/giường bệnh ở tuyến xã sẽ từ 10.000 - 15.000 đồng, hồi sức cấp cứu từ 30.000 đồng đến tối đa là 120.000 đồng….
Theo lý giải của Bộ Y tế, việc tăng viện phí ở thời điểm này là rất cấp bách, không thể chần chừ thêm được nữa. Bởi giá thu viện phí hiện nay quá thấp (khung giá đang thu ban hành từ năm 1995). Nhưng trên thực tế thì nhiều khoản đề xuất tăng trong dự thảo đến nay nhiều bệnh viện đã thực hiện từ cách đây 2-3 năm, cụ thể là giá khám bệnh trung bình hiện nay từ 30.000-50.000 đồng/lần; giá giường bệnh bình quân cao hơn mức giá dự kiến tăng trong dự thảo…
Nếu thực tế việc tăng giá viện phí theo đúng như lời các quan chức Bộ Y tế khẳng định nhằm chấm dứt tình trạng để bệnh nhân “chiếu manh, chăn chiên như hồi chiến tranh, bao cấp”, tăng thiết bị khám chữa bệnh... thì việc tăng viện phí nhiều khi lại đem lại những hiệu quả tích cực. Bởi người dân sẽ được khám chữa bệnh và chăm sóc bằng những dịch vụ tốt hơn. Và hơn hết là đồng tiền của người bệnh được sử dụng có hiệu quả và đúng mục đích. Nhưng trong tình hình hiện nay, việc tăng viện phí cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện, nếu không sẽ có tác dụng ngược lại, tạo lỗ hổng cho nhiều kẻ cơ hội “đục nước béo cò” trong khi người bệnh sẽ là người “lãnh đủ”.
Kể cả khi chưa tăng giá viện phí, thì hầu hết các bệnh viện đều đã xé rào tăng một số loại dịch vụ khám chữa bệnh. Vì thế, việc thiết lập mặt bằng giá mới sẽ tạo điều kiện cho nhiều nơi lấy cớ để tăng các loại dịch vụ, bởi mặt bằng giá trước kia thấp như thế mà còn có thể tăng đến mức như hiện nay, vậy khi mặt bằng giá tăng, liệu những nơi này có chịu giữ nguyên giá cũ?
Với thực trạng ở nhiều cơ sở y tế trang thiết bị khá sập xệ, thiếu giường bệnh trầm trọng, khi mà viện phí tăng, liệu có chấm dứt được tình trạng “chiếu manh, chăn chiên”, người dân có được bảo đảm phục vụ một cách chu đáo, được sử dụng dịch vụ xứng đáng với đồng tiền mà họ bỏ ra?
Nhưng điều đáng lo ngại nhất của người dân hiện nay vẫn là tình trạng thiếu y đức trầm trọng trong một bộ phận những người làm nghề thầy thuốc. Những việc làm của họ đang thực sự đang xúc phạm đến những người làm nghề chân chính, hết lòng vì người bệnh. Nhưng đây là thực tế, không thể phủ nhận.
Nếu không may phải vào bệnh viện, ai cũng có thể dễ dàng được chứng kiến cảnh nhân viên y tế có các biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu. Tình trạng người bệnh bị quát nạt, hạch sách vì một lý do “tế nhị” nào đó vẫn thường xuyên diễn ra. Ở nhiều phòng khám, người ta kháo nhau chỉ cần kẹp tiền vào sổ khám bệnh thì sẽ được ưu tiên khám trước mà không phải xếp hàng. Dễ thấy nhất là ở các phòng sản khoa, mỗi lần tiêm, thay băng, vệ sinh cho sản phụ… nếu có tiền “lót tay” cho y tá, hộ lý thì mọi việc sẽ trở nên suôn sẻ, “lương y” lại như “từ mẫu”...
Những cảnh này ai cũng biết nhưng lại vẫn bỏ qua, vì coi đó là chuyện rất nhỏ so với sức khỏe và tính mạng của người thân đang nằm trên giường bệnh. Và nếu có “kêu” thì cũng chẳng biết kêu ai, vì hầu như chưa bệnh viện nào có một địa chỉ cụ thể để người dân có thể phản ánh những chuyện như vậy. Tất cả những thói quen đó của một bộ phận y bác sỹ và của cả người bệnh đã và đang tạo ra một hình ảnh xấu xí, méo mó về y đức của những người làm nghề cao quý: Cứu người.
Vậy nếu khi tăng viện phí, nhưng vẫn tồn tại tình trạng y bác sỹ không coi việc y đức làm đầu, không trau dồi trình độ chuyên môn thì chẳng những chất lượng khám chữa bệnh không tốt lên mà còn tạo cơ hội cho tiêu cực, nhũng nhiễu hoành hành. Và khi đó, tính mạng của người bệnh sẽ trở nên nguy hiểm biết chừng nào.
Ai cũng biết mong muốn của cơ quan chủ quản là tăng viện phí để hướng tới việc tăng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Nhưng trước khi tăng viện phí, nên chăng cần có những giải pháp để tăng chất lượng đội ngũ y bác sỹ, nhất là về y đức. Bởi suy cho cùng, những thay đổi cũng là do con người và để phục vụ con người./.