Ngày 16/12/2014 vừa qua đối với hàng triệu người Việt Nam là một ngày quá nhiều tin xấu: 12 công nhân của công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo bị kẹt trong lòng núi vì sự cố vỡ ống nước, 6 hành khách trên xe khách tử vong khi xảy ra tai nạn với xe container chạy cùng chiều, 6 ngư dân Thái Bình đi đào ngao tử vong do thuyền chở ngao bị đắm, 5 chiến sĩ hy sinh khi xe tuần tra quân sự rơi xuống vực. Trong đó, sự sống của 12 công nhân vẫn đang trông chờ vào công tác cứu hộ và cả sự may mắn nữa. Trước những tai biến dồn dập, không thể không đặt câu hỏi: Vì sao xảy ra nhiều sự cố đến vậy?

Có thể sẽ có người vội vã xem lịch âm, lịch dương rồi kết luận: Hôm đó là ngày xấu, với những sao xấu chiếu mệnh những người không may gặp nạn. Thế nhưng, với một tư duy tỉnh táo, đánh giá một cách khoa học, thì chúng ta không thể phủ nhận, những hiểm họa này không phải bất ngờ từ trên Trời rơi xuống, mà đã có sự cảnh báo từ trước đó rất lâu. Có điều, vì chủ quan hoặc sự tắc trách của những người có trách nhiệm, mà những tai họa đã xảy ra dồn dập.

mac_ket_kiyh.jpgCác lực lượng đang chạy đua cùng thời gian cứu 12 công nhân mắc kẹt trong lòng núi vì sự cố vỡ ống nước ở Lâm Đồng

Vụ tai nạn giao thông tại Quảng Ninh cướp đi sinh mạng của 6 hành khách trên xe khách có nguyên nhân ban đầu được xác định là do xe container vào cua nhanh, mất lái nên đã va vào sườn xe khách. Tình trạng các tài xế xe tải, xe container phóng nhanh, vượt ẩu, chở hàng quá tải, cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông dù đã được phản ánh nhiều lần, các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt, nhưng cho đến nay cũng mới chỉ giảm được phần nào xe quá khổ quá tải. Còn tình trạng xe tải, xe khách, xe taxi phóng nhanh vượt ẩu vẫn rất khó kiểm soát. Mặc dù trên tất cả các quốc lộ đều đã cắm biển báo tốc độ, nhưng biển chỉ có giá trị khi có cảnh sát  giao thông. Khi vắng mặt lực lượng chức năng, tài xế vẫn mạnh ai nấy chạy để “giành lại” số thời gian mà họ phải tuân thủ tốc độ trước đó. Và đây là nguyên nhân chính khiến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra.

Vụ tai nạn chìm chiếc thuyền nan chở hơn 2 tấn ngao và 14 người ở Tiền Hải, Thái Bình lại bắt nguồn từ sự chủ quan của chính những người ngồi trên thuyền và sự tắc trách của các cơ quan chức năng. Khi mà 14 người ngồi trên một chiếc thuyền nan đã rách, không có áo phao, không có phao bơi cũng như bất cứ phương tiện bảo hiểm nào. Những tai nạn thương tâm như vậy ở vùng sông nước năm nào cũng có, nhưng khi “Trời chưa kêu” thì người dân vẫn ung dung ngồi lên thuyền, cho dù có cũ, rách đến đâu. Và áo phao, phao bơi cùng phương tiện bảo hộ dường như vẫn còn quá xỉ với những ngư dân nghèo này.

Vào lúc này, hàng triệu người đang hướng về thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng để mong đợi những tin tốt lành từ cuộc giải cứu 12 công nhân đang bị mắc kẹt trong vụ sập hầm với những lời cầu nguyện cho họ được bình an trở về với gia đình đón năm mới. Nhưng chắc chắn, khi công cuộc giải cứu xong xuôi, các cơ quan chức năng sẽ phải làm việc một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng để chỉ rõ nguyên nhân của vụ sập hầm này, từ đó đánh giá khách quan và chính xác về chất lượng của các công trình xây dựng ở những địa hình hiểm trở như thủy điện, khai thác khoáng sản…

Từ đó chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý và chủ đầu tư khi để xảy ra tai nạn. Cũng như cần chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý vận tải, doanh nghiệp và chính quyền địa phương khi để xảy ra những tai nạn giao thông nghiêm trọng, những vụ chìm thuyền mà người ngồi trên thuyền không có áo phao hay bất cứ phương tiện bảo hộ nào. Khi nào người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ quan, doanh nghiệp nhận rõ trách nhiệm cá nhân và bị xử lý nghiêm minh khi không làm tròn trách nhiệm, thì khi ấy mới giảm được những tai họa bất thường./.