Trong 6 tháng qua, cả nước đã xảy ra 5.500 vụ tai nạn giao thông, cướp đi gần 5.000 sinh mạng, làm bị thương 3.500 người khác. Trước thực trạng này, ngày 23/6/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải; ngày 2/7 Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến "Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông".

Những việc làm trên cho thấy sự kiên quyết vào cuộc của Chính phủ, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước của các cấp, ngành để hạn chế tai nạn giao thông.

tai-nan%201.jpg
Tai nạn liên quan tới xe khách thường để lại hậu quả lớn về người và tài sản (Ảnh: VOV giao thông)

Mặc dù theo các ngành chức năng có đến hơn 80% tai nạn nghiêm trọng là do lỗi người điều khiển phương tiện, nhưng nguyên nhân sâu xa được đưa ra và hầu như ai cũng phải thừa nhận, đó là sự buông lỏng của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Trước hết là buông lỏng trong đào tạo lái xe. Lâu nay, các cơ sở đào tạo lái xe chỉ quan tâm đến số lượng người học, số tiền thu được mà ít quan tâm đến trình độ văn hóa của người học ra sao, chương trình đào tạo, rèn luyện kỹ năng và đặc biệt là đạo đức của lái xe như thế nào. Vậy nên mới có nhiều trường hợp, lái xe không xử lý được tình huống hoặc vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức lái xe dẫn tới những vụ tai nạn đáng tiếc.

Thứ nữa, là buông lỏng trong cấp giấy phép lái xe. Theo quy định, người được thi để cấp bằng lái xe phải có đủ các điều kiện về chân tay, tri giác, tai, mắt. Nhưng giấy phép lái xe được cấp cho cả người không đủ sức khỏe, nghiện hút ma túy, có một chân hoặc một tay, đã và đang là câu chuyện đáng buồn của thực tế. Thậm chí, lái xe khách trong vụ tai nạn thảm khốc ở cầu Serepok (Đắk Lắk) đã từng lĩnh án 8 năm tù vì liên quan đến ma túy, trong quá trình thụ án vẫn đổi được giấy phép lái xe và sau khi mãn hạn tù không hiểu sao lại đổi được lần nữa. Dù rằng những trường hợp này không nhiều, nhưng rõ ràng, câu chuyện đó không chỉ khởi nguồn từ lỗi của người được cấp giấy phép mà trách nhiệm phải thuộc về cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe.

Cấp giấy phép lái xe đã vậy, việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ đối với các lái xe cũng là điều đáng nói. Xe tải quá khổ, quá trọng tải, xe nhồi nhét khách, xe phóng nhanh, vượt ẩu, xe quá hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông, đặc biệt ở các tuyến đường dài, đoạn đường thuộc khu dân cư, hay xảy ra tai nạn. 6 tháng qua, lực lượng cảnh sát giao thông xử lý gần 3 triệu trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt lên tới 1.500 tỷ đồng. Dư luận đặt câu hỏi, vì lực lượng cảnh sát giao thông quá thiếu hay vì lý do nào khác? Hơn 20 cảnh sát giao thông vi phạm quy trình, nhận tiền tiêu cực từ các lái xe đã bị phát hiện, xử lý có phải là con số đáng tin cậy và đủ sức răn đe phát sinh tiêu cực khác? Chính từ những việc làm tưởng như “không chết ai” này đã dẫn đến hiện tượng dung túng, xử lý không nghiêm, không công bằng, và rõ nhất là liên tiếp các vụ tai nạn thảm khốc, làm chết và bị thương nhiều người, làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, tính mạng của người dân, tạo nên gánh nặng cho xã hội.

Lỏng lẻo trong quản lý Nhà nước còn được thể hiện ngay chính từ cơ quan, người thực thi chính sách. Theo Nghị định 91 của Chính phủ, từ ngày 1/7, các xe khách, xe container không lắp các thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử lý. Nhưng do các doanh nghiệp chưa có đủ điều kiện củng cố lại thiết bị giám sát hành trình nên việc xử phạt lại được chuyển thành ngày 1/8. Chính sự “chập chờn” trong việc áp dụng quy định của pháp luật càng gây nên tâm lý nhờn luật của các doanh nghiệp, lái xe.

Để "chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông", ngoài ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông thì những lỗ hổng trong việc thực thi chính sách, pháp luật của người thi hành công vụ phải được siết chặt, lấp đầy. Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, thảm khốc vừa qua là bài học xương máu để các bộ, ngành, các cấp chính quyền thực hiện nghiêm túc hơn chức trách quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông trước Chính phủ, trước tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân; trước gánh nặng xã hội do tai nạn giao thông gây ra./.